Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam đã thấy trước nhiều thách thức do giá thành chăn nuôi của nước ta còn cao, khả năng cạnh tranh thấp. Lối thoát cho chăn nuôi là năng suất và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chăn nuôi nhỏ lẻ khó cạnh tranh
Việt Nam chủ yếu chăn nuôi theo nông hộ nhỏ lẻ, chiếm khoảng 70% tổng đàn và cung cấp khoảng 40% sản phẩm cho xã hội. Đặc điểm của chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ là người dân không tham gia liên kết vào một chuỗi giá trị sản phẩm nào mà chủ yếu tự thân vận động theo cách tự sản xuất con giống, tự tìm nguồn thức ăn chăn nuôi và tự tiêu thụ sản phẩm.
Mà chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ thường có năng suất thấp, rủi ro dịch bệnh cao, không có khả năng kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến giá thành cao và sản phẩm chăn nuôi ngày càng khó tham gia vào thị trường chung.
Hiệp định thương mại tự do TPP đã kết thúc đàm phán, sẽ sớm được phê duyệt và đi vào cuộc sống trong vài năm tới. Nội dung cơ bản của TPP là xóa bỏ hàng rào thuế quan, một trong những rào cản thương mại, phần nào có tác dụng bảo hộ cho sản xuất trong nước.
Trong số các nước thành viên TPP, Mỹ và Canada là những nước xuất khẩu thịt lợn đáng gờm. Hàng năm Mỹ sản xuất khoảng 10 triệu tấn thịt lợn, trong đó xuất khẩu 2,3 triệu tấn đạt kim ngạch xuất khẩu thịt lợn 4,7 tỷ USD, riêng thị trường Nhật Bản và Malaysia chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu thịt lợn của Mỹ. Việt Nam nhập khẩu lợn sống và sản phẩm thịt lợn từ Mỹ đạt 2,2 triệu USD năm 2014.
Điều đáng nói là giá thành chăn nuôi lợn của Mỹ hiện tại đang ở mức thấp thứ 2 thế giới, sau Brazil. Nhiều năm liên tục giá thành chăn nuôi lợn của Mỹ chỉ nằm trong khoảng 1,2 đến 1,4 USD/kg lợn hơi. Trong khi đó chăn nuôi lợn tại Việt Nam hiện đang ở mức giá thành từ 1,64 đến 1,9 USD/kg lợn hơi, cao hơn 20-30% so với Mỹ.
Lợi nhuận chăn nuôi lợn ở Mỹ cũng rất thấp, dao động quanh giá thành hoặc dưới giá thành, do vậy người Mỹ tìm mọi cách để xuất khẩu thịt lợn. TPP rõ ràng sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho Mỹ về xuất khẩu thịt lợn. Nếu chăn nuôi Việt Nam không cải thiện được năng suất hiệu quả trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc chạy đua với thịt lợn nhập khẩu, trong đó có thịt lợn của Mỹ.
Liên kết chuỗi giá trị để tồn tại
Thời kỳ của chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ đến hồi kết, đòi hỏi người chăn nuôi phải định vị rõ sản phẩm của mình trên thị trường. Trên cơ sở đó lựa chọn con giống, quy mô, giải pháp khoa học kỹ thuật phù hợp để tối đa lợi nhuận chăn nuôi.
Để làm được điều này đòi hỏi người chăn nuôi phải tham gia liên kết vào một chuỗi giá trị sản phẩm nhất định, theo đó người chăn nuôi có thể được thừa hưởng những kết quả khoa học công nghệ về con giống và kỹ thuật chăn nuôi mà bản thân nông hộ nhỏ rất khó tiếp cận.
Liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi còn là giải pháp quan trọng để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên lý để sản xuất sản phẩm chăn nuôi đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn là khả năng kiểm soát toàn bộ hệ thống từ thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đến chế biến thực phẩm, hay còn gọi là mô hình chuỗi giá trị 3F (feed-farm-food). Trong đó, feed là thức ăn chăn nuôi, farm là trang trại chăn nuôi và food là thực phẩm.
Theo mô hình này, người chăn nuôi có thể lựa chọn giống vật nuôi gì để sản xuất ra sản phẩm cho địa chỉ xác định. Trên cơ sở đó cần lựa chọn loại thức ăn chăn nuôi phù hợp với tiềm năng sản xuất của con giống và thực hiện chăn nuôi theo một quy trình nghiêm ngặt để sản xuất ra sản phẩm thực phẩm đồng nhất về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các giống bản địa thường ít chịu tác động cạnh tranh bởi thịt nhập khẩu, nhưng năng suất thấp và thị phần hẹp. Nhu cầu protein động vật hiện nay vẫn chủ yếu từ các giống vật nuôi cao sản, chủ yếu là giống ngoại nhập.
Tăng năng suất để giảm giá thành và dùng hàng rào kỹ thuật
Năng suất chăn nuôi lợn của các nước Âu, Mỹ đã chuyển sang một giai đoạn mới so với 5-10 năm trước.
Chăn nuôi ở Việt Nam vẫn có giá thành cao và chất lượng vệ sinh ATTP chưa thực sự đảm bảo
Đặc biệt, năng suất sinh sản tăng nhanh, trung bình 25 heo con cai sữa/nái/năm và cao nhất là 29 heo con cai sữa/nái/năm. Năng suất sinh sản tại Việt Nam nằm trong khoảng 18 heo con cai sữa/nái/năm, các trang trại chăn nuôi công nghiệp có thể đạt 24 heo con cai sữa/nái/năm và cá biệt có trại có thể lên đến 27 heo con cai sữa/nái/năm.
Ước tính cứ tăng được 1 heo con cai sữa thì giá thành chăn nuôi giảm được 2%. Giá thành chăn nuôi heo của Việt Nam có thể giảm được 18% nếu năng suất sinh sản được cải thiện từ 18 con lên 27 con heo con cai sữa/nái/năm.
Cùng với việc nâng cao năng suất chăn nuôi để giảm giá thành thì việc loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi sẽ giúp Việt Nam có thêm công cụ hàng rào kỹ thuật đối với những sản phẩm chăn nuôi từ những nước có sử dụng chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi.
Vệ sinh ATTP sẽ là động lực thúc đẩy chăn nuôi Việt Nam phát triển tốt hơn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và khách du lịch đến Việt Nam.
Kinh nghiệm của C.P
Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) là thành viên của Tập đoàn C.P. Thái Lan (C.P. Group) có mặt tại Việt Nam từ cuối thập niên 1980. Ngay từ ngày đầu vào Việt Nam, CPV luôn theo đuổi chính sách phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp trong chăn nuôi để sản xuất thực phẩm protein động vật an toàn cho xã hội. Nay CPV là doanh nghiệp dẫn đầu về đầu tư khoa học công nghệ, tạo lập mối liên kết và thu hút lao động tham gia vào chuỗi giá trị 3F.
Chiến lược phát triển chuỗi giá trị 3F của CPV là thực hiện vai trò trụ cột trong hợp tác, chuyển giao công nghệ cho người dân để phát triển mô hình chăn nuôi công nghiệp bền vững trong nông thôn, sử dụng lao động địa phương, sản xuất và phân phối các sản phẩm thực phẩm protein động vật cho người tiêu dùng trên cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mô hình chuỗi giá trị 3F của CPV bao gồm hệ thống các ngành nghề về trồng bắp, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến và phân phối thực phẩm. CPV thực hiện sản xuất hạt giống bắp, chuyển giao kỹ thuật canh tác bắp, thu mua sản phẩm bắp để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.
Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của CPV được xây dựng và trang bị công nghệ hiện đại, đảm bảo cân đối dinh dưỡng cho từng loại vật nuôi trên cơ sở cân bằng năng lượng, axit amin, vitamin và khoáng chất.
Trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của CPV đều được bố trí xa khu dân cư, xa các trại chăn nuôi khác đảm bảo an toàn dịch bệnh và ưu tiên phát triển trên vùng đất không có lợi thế trồng trọt, làm gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất đai nhờ sử dụng chất thải chăn nuôi cho cây trồng, đặc biệt có thể phát triển những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao.
Vật nuôi được nuôi dưỡng trong điều kiện chuồng trại phù hợp với đặc điểm sản xuất của con vật, phát huy tối đa tiềm năng di truyền về năng suất và có khả năng kháng bệnh cao. Các sản phẩm từ các trang trại hợp tác chăn nuôi với CPV gồm trứng gia cầm, gia cầm thịt, lợn thịt và sản phẩm thủy sản được Công ty thu mua, chế biến và tiêu thụ.
Các nhà máy chế biến thực phẩm như nhà máy chế biến thịt tại Đồng Nai, Hà Nội, nhà máy chế biến thủy sản Đồng Nai, Bến Tre và Thừa Thiên- Huế đều đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cho xuất khẩu, như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, GMP.
Các giải pháp khoa học- công nghệ về giống vật nuôi, dinh dưỡng, chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe vật nuôi và mô hình quản lý cũng được CPV tập trung nghiên cứu, không ngừng cải tiến năng suất, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng, giảm phát khí thải, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ nguồn tài nguyên, nhằm nâng cao sức cạnh tranh với thế giới hội nhập ngày nay.
theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã