Đó cũng là cảm nhận và chia sẻ của nhà báo Lưu Quang Định- Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2017, kiêm Trưởng Đoàn NDVNXS đi Hàn Quốc.
Nhà báo Lưu Quang Định- Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2017.
Thưa ông xin ông chia sẻ về +một số hoạt động nổi bật của Đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc trong những ngày tham quan, học hỏi tại Hàn Quốc?
- Đoàn Nông dân xuất sắc (NDXS) tham gia chuyến tham quan, học hỏi lần này tại Hàn Quốc có rất nhiều các ND đến từ Cà Mau, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ… Chỉ trong một thời gian ngắn, đoàn đã có một lịch làm việc dày đặc gồm: Tham quan nông trại trồng dâu tây, cà chua công nghệ cao của nông dân tỉnh Gyeong Gi; tìm hiểu mô hình sản xuất nấm linh chi- một sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng của Hàn Quốc tại tỉnh Gwanghwa; tham quan dây chuyền công nghệ khép kín từ gieo trồng, chăm sóc đến tiêu thụ mặt hàng nhân sâm của Tổ hợp trồng nhân sâm lớn nhất Hàn Quốc…
Chúng tôi cũng đã đi tham quan hệ thống siêu thị dành riêng cho các mặt hàng nông sản của Tập đoàn Nong Hyup, trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc. Các nông dân Việt Nam xuất sắc còn đến thăm chợ đấu giá nông sản Garak – một trong 50 trung tâm đấu giá nông sản lớn của Hàn Quốc. Tại đây, đoàn đã tận mắt chứng kiến một phiên đấu giá mặt hàng hành lá với không khí sôi động “nảy lửa”.
Tại các địa chỉ tham quan trên, Đoàn các NDXS đã được tham quan, học hỏi những gì, thưa ông?
-Tại các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản mà đoàn tới thăm, tìm hiểu, các nông dân Việt Nam xuất sắc đã vô cùng ấn tượng khi tận mắt chứng kiến các quy trình sản xuất chặt chẽ, áp dụng rất nhiều các loại máy móc, thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất giống, tưới tiêu, phòng, trừ sâu, bệnh, kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng cho sản phẩm nông nghiệp mà người nông dân Hàn Quốc đang áp dụng…
Trong khuôn khổ chuyến đi, các nông dân Việt Nam còn có dịp thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Tại đây, đoàn đã được lãnh đạo Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc- ông Chu Thắng Trung chia sẻ những thông tin về thị trường nông sản Hàn Quốc, những mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu vào nước này; các thủ tục, tập quán khá đặc thù của các doanh nghiệp, các hợp tác xã, nhà nhập khẩu của xứ sở kim chi.
Ngoài ra, đoàn còn đi thăm Bảo tàng Nông nghiệp, Bảo tàng Lúa gạo ở thủ đô Seoul. Qua đó, từng thành viên đã cảm nhận rất rõ rằng, dù là một đất nước công nghiệp phát triển, nông dân chỉ chiếm 2% dân số, nhưng người dân và xã hội Hàn Quốc vẫn rất nâng niu, trân trọng những thành tựu lâu đời và truyền thống nhân văn, căn bản của nền nông nghiệp nước nhà.
Các nông dân Việt Nam xuất sắc tham quan, tìm hiểu tại khu trồng nhân sâm nổi tiếng ở tỉnh Kang Hwa (Hàn Quốc). ảnh: Trần Quang
Trong chuyến “du học” nông nghiệp công nghệ cao này, các nông dân Việt Nam xuất sắc ấn tượng nhất là gì?
- Đầu tiên là ấn tượng về việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp. Đối với nông nghiệp Hàn Quốc, làm gì cũng có quy trình chặt chẽ, tỉ mỉ, mỗi nông trại đều sử dụng hàng chục máy móc, thiết bị lớn nhỏ vào tất cả các khâu. Thế nên dù quy mô đất đai không quá lớn (có nơi cũng chỉ 1 vài ha/hộ), nhưng năng suất đạt được rất cao.
Thứ hai là bài học về tinh thần hợp tác. Ở Hàn Quốc, không có ai làm ăn riêng lẻ một mình mà luôn tổ chức, xây dựng thành các nhóm, các hợp tác xã, tổ hợp tác hỗ trợ nhau rất chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra.
Thứ ba là bài học về nắm chắc thị trường. Trước khi quyết định gieo hạt gì, nuôi con gì người nông dân Hàn Quốc đã chắc chắn về đối tượng bao tiêu sản phẩm. Đó là một trong những yếu tố giúp cho nông nghiệp Hàn Quốc không bao giờ có chuyện “được mùa mất giá”. Không chỉ thị trường địa phương, thị trường cả nước, họ còn tìm hiểu và có những thông tin rất kịp thời về thị trường nông sản khu vực cũng như toàn cầu.
Ông Trần Quang Hiên, nông dân Việt Nam xuất sắc ở Cà Mau xem, học tập cách trồng rau áp dụng công nghệ cao tại một nông trại ở tỉnh Gyeong Gi (Hàn Quốc).
Trong năm nay, chúng tôi còn dự định tổ chức một đoàn ND xuất sắc đi tham quan, học hỏi mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Đài Loan vào tháng 11. Tiếp theo có thể là tham quan, học hỏi tại các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hiện đại, hiệu quả như Nhật Bản, Australia, Israel… |
Trong tương lai, Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam có những dự định gì trong việc tổ chức cho nông dân nói chung, nông dân Việt Nam xuất sắc nói riêng đi tìm hiểu nông nghiệp hiện đại ở nước ngoài?
- “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chúng tôi tin chắc rằng có dịp bước chân ra cánh đồng thế giới như thế này, nông dân của chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều. Sau khi về với đồng ruộng, ao chuồng, trang trại của mình ở Việt Nam, bà con có thể áp dụng những điều học hỏi được vào công việc sản xuất, kinh doanh.
Đây là lần thứ 2 Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam đưa nông dân Việt Nam xuất sắc đi tham quan, học hỏi về nông nghiệp công nghệ cao tại Hàn Quốc. Từ kinh nghiêm của chuyến đi lần trước, năm nay chúng tôi cố gắng tổ chức sao cho chương trình có chất lượng, chu đáo nhất có thể. Hy vọng các nông dân Việt Nam xuất sắc cũng cảm thấy hài lòng.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Trần Quang/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã