Thu nhập tăng nhanh
Phúc Thọ là huyện thuần nông, được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô với tổng diện tích đất nông nghiệp 6.851ha. Xác định nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, Phúc Thọ đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, hình thành những mô hình, vùng sản xuất riêng biệt theo điều kiện từng địa phương.
Một hộ nông dân nuôi gà ở huyện Thạch Thất. Ảnh: T.Q
Ông Doãn Trung Tuấn - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh lúa; hoa, cây cảnh như Tích Giang, Tam Thuấn…; vùng chuyên canh rau an toàn và rau hữu cơ tại các xã như Vân Hà, Vân Phúc, Thanh Đa, Hát Môn… cho hiệu quả kinh tế cao.
“Trước đây giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ chỉ đạt từ 60 – 80 triệu đồng/ha/năm, sau chuyển đổi đã tăng lên từ 2 – 20 lần. Đơn cử như ngành trồng trọt, thu nhập trung bình đạt từ 200 – 500 triệu đồng/ha/năm, có diện tích đạt hàng tỷ đồng/ha, chính điều này đã tạo thêm động lực giúp nông dân trên địa bàn hăng say sản xuất, sáng tạo” - ông Tuấn nói.
Cùng với Phúc Thọ, huyện Hoài Đức cũng là một trong những cánh chim đầu đàn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhờ biết tận dụng tốt lợi thế là vùng ven đô. Hoài Đức hôm nay mang diện mạo mới ngày càng hiện đại với những khu đô thị khang trang, những làng nghề truyền thống và vùng trồng rau an toàn, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Hiện Hoài Đức có trên 800ha diện tích cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm diện tích này tăng thêm 20ha. Thu nhập bình quân đầu người từ 22 triệu đồng vào năm 2010, đến năm 2017 đạt 45,2 triệu đồng/người.
Đa dạng hóa công tác tuyên truyền
Nói về thành tích xây dựng NTM của Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, đến hết quý I.2018, Hà Nội có 255/386 xã (chiếm 66,06%) đạt chuẩn NTM. Năm 2017, Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn NTM thành phố đã tiến hành thẩm định 45 xã/14 huyện, thị xã, trong đó 39 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017.
“Trong 92 xã còn lại, có 53 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, còn 39 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí” - ông Mỹ nói.
Theo ông Mỹ, hiện thành phố đã có 118 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 13 mô hình so với cuối năm 2017. Trong đó Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17, Thường Tín 14, Thanh Oai 9, Phúc Thọ 8... Các mô hình đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác tốt các tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô.
Bên cạnh các mặt đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM của thành phố. “Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản còn khiêm tốn; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tiềm ẩn nhiều bất cập...” – bà Hằng nhấn mạnh.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để Chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao hơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý các huyện thị xã cần rà soát lại tất cả các tiêu chí, các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân..
Theo Hải Đăng/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã