Học tập đạo đức HCM

5 năm đáng tự hào

Thứ sáu - 13/11/2020 19:55
Hôm nay 14/11, Bộ NN-PTNT Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống (14/11/1945- 14/11/2020) và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Qua đó, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020, biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến xuất sắc nhất trong 5 năm qua và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn 2021 - 2025 của ngành.

Biến thi đua trở thành động lực phát triển

Bộ NN-PTNT là Bộ đa ngành, quản lý nhiều lĩnh vực (Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi, Thuỷ sản, Diêm nghiệp và Phát triển nông thôn) với hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương.

Trong 5 năm qua, toàn ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai khó lường xảy ra thường xuyên với mức độ và tầm ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT  Hà Công Tuấn (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình hình phòng chống cháy rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT  Hà Công Tuấn (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình hình phòng chống cháy rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát và khó dự đoán, kiểm soát. Thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước ngày càng cạnh tranh gay gắt…

Trong bối cảnh đó, Bộ đã có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về công tác thi đua khen thưởng, tạo môi trường, động lực, khuyến khích, động viên cán bộ, công nhân viên chức trong ngành và bà con nông dân nỗ lực vượt qua khó khăn để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ.

 “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm chỉ đạo cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành nêu cao tinh thần “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, qua đó nâng cao năng suất lao động và tạo ra giá trị gia tăng cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, qua đó nâng cao năng suất lao động và tạo ra giá trị gia tăng cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Do vậy, phong trào thi đua luôn được đẩy mạnh suốt 5 năm qua, khuyến khích, động viên mọi cá nhân, tập thể trong ngành khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chủ động, kịp thời phát động phong trào thi đua trọng tâm, phạm vi trực tiếp tác động, bao chùm các lĩnh vực hoạt động của ngành là Phong trào thi đua: “Toàn ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2014 - 2015 và đến năm 2020.

Xây dựng nông thôn mới hoàn thành vượt kế hoạch 2 năm

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được hưởng ứng triển khai, tạo ra sự lan tỏa rộng khắp, góp phần chuyển biến mới trong nông nghiệp, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống người dân được nâng lên.

Các cơ quan, đơn vị, các khối thi đua tiếp tục cụ thể hóa, đăng ký nhiều phần việc cụ thể. Điển hình là hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn để sớm về đích xây dựng nông thôn mới như xã Thái Bình, xã Phúc Ninh thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Ở địa phương, nhất là cấp cơ sở, cán bộ trong ngành vừa hàng ngày, hàng giờ lăn lộn thực tiễn, hướng dẫn triển khai thực hiện chuyên môn, vừa tích cực xuống địa bàn tuyên truyền, vận động người dân chung sức, chung lòng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Tính đến hết tháng 6 năm 2020, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 8,2% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020); có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có 168 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ việc triển khai thực hiện phong trào thi đua đã góp phần đạt được những kết quả quan trọng như số lượng doanh nghiệp. Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp tăng nhanh, ước tính hết năm 2020 với tổng số trên 52.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 9% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có gần 12 nghìn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp Công nghệ cao, phát triển thị trường. Bên cạnh sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều tập đoàn lớn như Vinamilk, Nafoods, TH Trumilk, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông… đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020.

Thông qua thực hiện các mô hình giảm nghèo đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Số lượng hộ nghèo nông thôn giai đoạn 2016-2020 giảm đều qua các năm, mức giảm bình quân khoảng 1,4%/năm.

Những cột mốc tăng trưởng đáng tự hào

Thông qua các phong trào thi đua, ngành NN-PTNT đã triển khai có hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành.

Giai đoạn 2016-2020, chất lượng tăng trưởng ngành tiếp tục được cải thiện. Năng suất lao động bình quân tăng 6,8%/năm, gấp gần 1,9 lần mục tiêu đề ra của kế hoạch 5 năm (3,5%/năm) và cao hơn mức tăng 6,6% của năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản và thủy sản năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 của Kế hoạch 5 năm (39 - 40 tỷ USD) và cao hơn nhiều so với mức 30,45 tỷ USD của năm 2015.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (trái) và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tham quan các gian hàng đặc sản Đồng Tháp tại Tuần lễ thực phẩm cá tra/basa tại Siêu thị Big C diễn ra ngày 9/10 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (trái) và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tham quan các gian hàng đặc sản Đồng Tháp tại Tuần lễ thực phẩm cá tra/basa tại Siêu thị Big C diễn ra ngày 9/10 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Ngành trồng trọt tiếp tục đẩy mạnh việc đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giá trị tăng từ 3 - 8 lần so với trồng lúa, trong đó chủ yếu chuyển đổi sang cây ăn quả, rau an toàn, hoa. Đến nay diện tích được chứng nhận VietGAP là hơn 39.000 ha.

Ở nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để nâng cao chất lượng, giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm…

Ngành chăn nuôi đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ từ số lượng sang chất lượng, từ nông hộ quy mô nhỏ sang chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Cả nước có hơn 200 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP; Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống đến tiêu thụ.

Ngành thuỷ sản đã nỗ lực vượt qua những khó khăn về thời tiết, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài ở Nam Trung Bộ và ĐBSCL, lũ lụt liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung...

Nuôi trồng thuỷ sản cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước phát triển hệ thống giống tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể với các biện pháp thâm canh cao và duy trì phát triển tốt.

Các mặt hàng xuất khẩu cá ngừ, chả cá, nghêu, cá đóng hộp, cua có tín hiệu tăng trưởng tốt nhưng tôm và cá tra còn đối mặt với nhiều khó khăn. Các chính sách của địa phương hỗ trợ phát triển thuỷ sản được triển khai mạnh và phát huy được hiệu quả.

Ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, hệ sinh thái; nâng cao năng suất và chất lượng rừng; nâng cao giá trị lâm nghiệp, phát triển công

nghiệp chế biến gỗ... Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) lũy kế đạt 287.000 ha, năm 2020 ước đạt 100 nghìn ha, gấp 2,45 lần so với năm 2015.

Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 ước khoảng 12,5 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản, hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại  hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2019 cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới. Từ kinh tế hợp tác, nông dân tích lũy được vốn, kinh nghiệm trong quản lý và sản xuất, tích tụ ruộng đất, thúc đẩy hình thành các nhà máy chế biến tập trung.

Khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp

Qua 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua, khoa học công nghệ đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử trong nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng tại Viện Di truyền (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Đinh Tùng.

Ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử trong nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng tại Viện Di truyền (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Đinh Tùng.

Nghiên cứu khoa học công nghệ đã tập trung vào các sản phẩm chủ lực, giải quyết bức xúc thực tiễn như: chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, kháng bệnh và chống chịu. Đồng thời xây dựng quy trình canh tác, gói kỹ thuật theo chuỗi trong sản xuất các sản phẩm chủ lực; quy trình phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng chủ lực…

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành và đưa vào ứng dụng trong sản xuất: công nhận được 162 giống mới và 132 TBKT; 988 tiêu chuẩn, 213 quy chuẩn kỹ thuật đã được công bố, ban hành và áp dụng hiệu quả; đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất một số loại vacxin (tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả lợn, kép nhược độ tụ huyết trùng, xoắn trùng vô hoạt dạng nước…).

Mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ nông sản

Những năm qua, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm sản và thủy sản mặc dù có những biến động và cạnh tranh gay gắt. Các cơ quan, đơn vị đã tham mưu cho Bộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại.

Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá tra; thứ hai thế giới về cà phê; thứ 3 thế giới về gạo, tôm; thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 15 thế giới.

Điển hình trong phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ gia đình ở nông thôn là HTX thương mại và thủy sản Xuyên Việt (tỉnh Hải Dương), HTX Nông nghiệp sạch Ba sạch Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng),.. Cá nhân có ông Nguyễn Phúc Bách (Hà Nội - hộ sản xuất hàng hóa quy mô 7.000 m2 nhà kính gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, sản phẩm dưa lưới công nghệ cao;... Ông Lê Hồng Khanh (Bình Dương - tích cực tuyên truyền nhân dân tham gia HTX, THT, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân)...

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước toàn ngành

Giai đoạn 2016-2020, ngành NN-PTNT đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng 01 Huân chương Sao Vàng, 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 01 tập thể được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”, 06 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, 199 tập thể được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ, 02 Huân chương Độc lập, 538 Huân chương Lao động các hạng (trong đó có 09 cá nhân là người lao động trực tiếp), 904 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 107 cá nhân là người lao động trực tiếp).

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng thưởng 499 Chiến sĩ thi đua cấp Bộ (trong đó có 72 cá nhân là người lao động trực tiếp), 363 Cờ thi đua Bộ, 10.582 Bằng khen Bộ trưởng (trong đó có 2.577/6.612 cá nhân là người lao động trực tiếp) và 13.382 Kỷ niệm chương.

Phương hướng thi đua yêu nước trong ngành NN-PTNT giai đoạn 2021-2025 là thu hút, động viên công chức, viên chức và người lao động đoàn kết, năng động, thi đua lao động sáng tạo để thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trực tiếp là thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển ngành như đã đề ra ở trên.

Để làm được điều đó, Bộ NN-PTNT xác định cần tiếp tục hưởng ứng triển khai các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; duy trì và phát triển phong trào thi đua “Toàn ngành NN-PTNT chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua nhánh, phong trào thi đua chuyên đề.

Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục triển khai phong trào thi đua liên kết “Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN-PTNT”, xác định mục tiêu, nội dung, hình thức của phong trào trong giai đoạn tới nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều mô hình trồng trọt cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/ha canh tác. Ảnh: Minh Phúc.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều mô hình trồng trọt cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/ha canh tác. Ảnh: Minh Phúc.

Duy trì và làm tốt hơn nữa việc tôn vinh, khen thưởng các gương nông dân điển hình, tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới và các gương nông dân có phát minh, sáng chế, sáng kiến phục vụ thiết thực cho sản xuất, đời sống ở nông thôn; các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đóng góp xây dựng nông thôn mới; các cá nhân, tổ chức có các sản phẩm tiêu biểu, xuất sắc phục phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới và phục vụ đời sống xã hội.

Mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2021 - 2025 của ngành NN-PTNT là rất nặng nề. Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ tin tưởng rằng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, với kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra được từ các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020.

Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ kêu gọi  toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong ngành và bà con nông dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, đoàn kết, nhất trí, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chủ động nắm bắt thời cơ, ra sức thi đua góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành; nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Bộ NN-PTNT "3 đồng hành, 5 hỗ trợ” cùng doanh nghiệp

Sau 3 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Bộ NN-PTNT đồng hành cùng doanh nghiệp hội nhập và phát triển” với phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” và tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cắt giảm các thủ tục hành chính để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Công tác hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp đã đạt được kết quả khả quan, các ngành nghề khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đa dạng như: trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất dược liệu, nuôi trồng chế biến thủy hải sản, nông nghiệp gắn với du lịch, chế biến kinh doanh nông sản...

 

Nguồn tin: Minh Phúc/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập312
  • Hôm nay55,289
  • Tháng hiện tại851,987
  • Tổng lượt truy cập90,915,380
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây