Với thế mạnh là một tỉnh sản xuất nông nghiệp hàng đầu cả nước với sản lượng lúa hơn ba triệu tấn/năm và nghề nuôi cá tra - ba sa xuất khẩu, nhiều năm qua, nông dân An Giang đã mạnh dạn ứng dụng nhiều tiến bộ trong nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị và chất lượng hàng hóa cao, năng suất vượt trội.
Tiếp cận với tiến bộ khoa học, nông dân An Giang đã xây dựng thành công nhiều mô hình hay, hiệu quả. Ðơn cử như mô hình CLB in-tơ-nét nông dân, các điểm thực hiện dự án đều nằm ở những vùng sâu, vùng xa. Tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân. Tại CLB nông dân xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, nông dân Lăng Hoàng Dũng cho biết: Lần đầu đi tập huấn sử dụng máy vi tính, anh em chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì mình là nông dân mà lại được Nhà nước quan tâm giúp tiếp cận với công nghệ thông tin - một phương tiện chỉ dành cho những người có trình độ, còn lo vì sợ không tiếp thu được bài học. Nhưng với sự tận tâm của các cán bộ ở Trung tâm Tin học và Thông tin Khoa học công nghệ, Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân, chúng tôi đã tự tin vào mạng. Theo anh Dũng, khi các thành viên trong CLB muốn tìm hiểu sâu hơn về thông tin nông nghiệp mà họ quan tâm thì gửi thư điện tử đến các nhà khoa học để hỏi, rồi chia sẻ với bà con để cập nhật thông tin mới về kỹ thuật sản xuất, giá cả các loại nông sản.
Ðánh giá về mô hình ứng dụng in-tơ-nét bằng các quán cà-phê khuyến nông, Trưởng Ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh An Giang Trần Thị Minh Nguyệt nhìn nhận: "Hiệu quả ngay những ngày đầu thực hiện mô hình. Thứ nhất, phù hợp tập quán sinh hoạt của bà con nông dân. Thứ hai, mô hình đã thật sự trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần, khoa học kỹ thuật trực tiếp sau những buổi thăm đồng về, hay ly cà-phê mỗi sáng". Sau khi quán cà-phê khuyến nông (CPKN) đầu tiên của An Giang được khai trương thí điểm tại ấp Sơn Hiệp (xã An Bình, huyện Thoại Sơn) vào ngày 30-1-2008, mô hình này nhanh chóng lan rộng với 17 quán CPKN trải đều trên tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố.
Với cách tiếp cận quen thuộc, gần gũi, mỗi ngày các quán thu hút từ vài chục đến cả trăm lượt nông dân đến truy cập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tình hình sản xuất nông nghiệp, diễn biến giá cả thị trường nông sản, vật tư nông nghiệp... Tại quán CPKN của ông Ngô Văn Sáu (ấp Sơn Hiệp, xã An Bình, huyện Thoại Sơn), nông dân Lê Văn Sở, vẫn thường xuyên đến quán, chia sẻ: "Gia đình tôi làm khoảng 100 công đất, trước đây chủ yếu canh tác theo tập quán ông bà để lại. Chuyện một phải ba giảm ba tăng gì đó trước đây đâu có biết. Nông dân đầu tắt mặt tối ngoài đồng, có ai mua báo chí xem đâu. Vậy mà từ khi có quán CPKN của chú Sáu, chẳng những anh em có được chỗ nói chuyện làm ruộng rôm rả mà còn biết thêm sách hướng dẫn, tờ bướm giới thiệu giống mới, các tiến bộ kỹ thuật hay, biết cách sản xuất theo hướng sạch hơn, phòng, chống dịch bệnh ngay lúc nó mới chớm bệnh...
Cùng với mô hình CPKN, tỉnh An Giang đã mạnh dạn triển khai thí điểm các điểm truy cập in-tơ-nét tại nhiều địa phương thuần nông của tỉnh, nhằm giúp người dân không chỉ tiếp cận khoa học - kỹ thuật mà còn nâng cao dân trí. Xã vùng sâu Tân Thạnh (thị xã Tân Châu) là một trong những địa phương được Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) chọn ra mắt điểm cung cấp thông tin KHCN đặt tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã. Ðược trang bị hai máy tính có kết nối in-tơ-nét, máy in, máy ảnh kỹ thuật số, tủ đựng tài liệu, bàn ghế sinh hoạt... cho nên sau khi đưa vào hoạt động từ tháng 11-2009 đến nay điểm có hơn 700 nông dân thường xuyên đến truy cập thông tin.
... Đến công nghiệp hóa nông nghiệp toàn diện
Chính việc hỗ trợ nông dân hiểu, tiếp cận khoa học đã giúp An Giang triển khai nhanh chóng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao ngay từ gốc rễ. Minh chứng cho điều đó, nhiều năm qua, hơn 80% diện tích sản xuất, bà con nông dân đã áp dụng một hay nhiều chương trình bảo vệ mùa màng, dịch hại theo khuyến cáo của ngành khuyến nông, Chương trình "một phải năm giảm", "ba giảm ba tăng"... Tính đến đầu tháng 7-2012, An Giang có khoảng 83,2% diện tích gieo trồng được áp dụng Chương trình "ba giảm ba tăng" và "một phải năm giảm", có khoảng 8.300 ha được tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh đó, với nhiều chính sách hỗ trợ, nông dân An Giang đã đưa vào hơn 1.600 máy thu hoạch lúa (1.254 máy gặt đập liên hợp và 381 máy gặt xếp dãy), nhờ đó, diện tích thu hoạch bằng máy đạt hơn 97 nghìn ha (khoảng 42% diện tích sản xuất). Toàn tỉnh hiện có 2.403 máy sấy các loại, đảm nhiệm sấy 74,6% lúa hè thu... Nhờ đó, tính trên diện tích thu hoạch bằng cơ giới đã giảm thất thoát hơn 34 nghìn tấn lúa (tương đương 254 tỷ đồng). Ngay các huyện nghèo, biên giới, diện tích ứng dụng tiến bộ khoa học bằng phương pháp sạ hàng, gặt bằng máy gặt đập liên hợp cũng đã khá phổ biến. Tại cánh đồng xã An Tức (huyện Tri Tôn), nông dân Trần Văn Thẹo đang thu hoạch 1,5 ha diện tích lúa hè thu 2012 phấn khởi cho biết: "Nhà tui dùng máy gặt đập liên hợp đã ba năm nay. Cắt bằng máy nhanh, không tốn nhân công, lúa ít hao hụt và nhất là ra lúa thương phẩm bán ngay tại ruộng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất lợi rất lớn". Theo tính toán của các nhà khoa học, thu hoạch bằng cơ giới giúp nông dân giảm chi phí 500 nghìn đồng/ha. Việc sử dụng máy sấy giúp cho tỷ lệ lúa bị hao hụt xuống dưới 0,5% so với gần 2% nếu phơi lúa bằng phương pháp thủ công. Giá trị hạt gạo xuất khẩu cũng tăng lên do tỷ lệ rạn nứt từ mức 15 - 18% trước đây giảm xuống còn 5-8%.
Thực tế sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công tại An Giang những năm qua đã giúp tỉnh mạnh dạn xây dựng một nghị quyết chuyên đề, nhằm đưa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trở thành bước đột phá mới. Theo đó, An Giang quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thân thiện với môi trường, bảo tồn và duy trì tốt nhất tài nguyên sinh thái, tài nguyên nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trên cơ sở phát huy mạnh mẽ nội lực kết hợp huy động ngoại lực và các nguồn lực khác theo hướng xã hội hóa, tiếp thu có chọn lọc công nghệ mới, tiên tiến trong và ngoài nước. Trên cơ sở quy hoạch phát triển đồng bộ vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chính sách đầu tư, thu hút và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; phát triển đồng thời và đồng bộ bốn yếu tố: Quy hoạch vùng và sản phẩm; lựa chọn công nghệ; đào tạo thu hút nguồn nhân lực và thị trường...
Mục tiêu cơ bản là đến năm 2020, An Giang phấn đấu có ít nhất 10% diện tích đất canh tác nông nghiệp được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, và đến năm 2030 phấn đấu ít nhất 30% diện tích...
Ngoài ra, nghị quyết nêu rõ năm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Quy hoạch vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chọn lựa công nghệ; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; thực thi và phát triển hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển nguồn lực, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường ứng dụng và phát triển công nghệ; công tác truyền thông về chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thực tiễn đã minh chứng cho việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng trong nền nông nghiệp hiện đại, tuy nhiên, giữa quyết tâm và thực tế triển khai vẫn là hai vấn đề mà An Giang cần đề ra lộ trình sát thực tiễn. Do vậy, tỉnh cần quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.
Theo Nhandan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã