Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Kinh tế và Hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Tăng Minh Lộc, tham gia bảo hiểm nông nghiệp chỉ có lợi, và để sản xuất theo hướng hàng hóa thì không thể không có bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Tăng Minh Lộc khẳng định, bảo hiểm nông nghiệp giúp người dân sản xuất đi theo định hướng của nhà nước; đồng thời từng bước đưa họ sản xuất đúng quy trình, kỹ thuật để đảm bảo ít rủi ro và tăng thu nhập, đó chính là mục tiêu của bảo hiểm nông nghiệp, chứ đền bù chỉ là một khía cạnh.
Sau một năm triển khai hiện có trên 100.000 người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Tổng tài sản đưa vào bảo hiểm dù chỉ đối với sáu loại bảo hiểm là trên 1.500 tỷ đồng; đến tháng 8/2012 các doanh nghiệp thu được phí bảo hiểm là khoảng 61 tỷ đồng.
Vừa rồi tính đến trước cơn bão số 8, mới phát sinh đền bù khoảng 15 tỷ đồng, và các doanh nghiệp bảo hiểm đã xét đền bù được khoảng 8-9 tỷ đồng. Ông Lộc cho biết, đền bù bảo hiểm chủ yếu ở lĩnh vực thủy sản, còn lúa và chăn nuôi ít hơn.
Việc vẫn chưa có nhiều người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, theo ông Tăng Minh Lộc cũng điều tất yếu bởi tâm lý trước nay là nông dân sản xuất nhỏ, trước đây không phải bỏ tiền, nếu xảy ra thiệt hại thì nhà nước hỗ trợ dù chỉ là một khoản rất nhỏ. Giờ tham gia bảo hiểm phải bỏ tiền đóng phí, có thể được đền bù rất lớn nhưng khi chưa bị thiệt hại thì họ chưa nói gì, đến lúc xảy ra thì họ mới thấm điều đó.
Ông Lộc cũng cho rằng cần có thêm thời gian để bản thân người dân hiểu và tự nguyện tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp không làm công tác vận động nhiều, chủ yếu là thông báo hướng dẫn chính sách và làm trọng tài khi họ có tranh chấp. Bộ Tài chính thì làm biểu phí, còn các doanh nghiệp lo ký hợp đồng bên cạnh việc vận động thuyết phục.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, tổ chức có khả năng vận động người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp tốt nhất chính là các đoàn thể, vừa gần gũi dễ thuyết phục mà cũng mang tính khách quan.
Thời gian gần đây, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành một số văn bản pháp lý chuyên ngành việc sửa đổi, bổ sung các quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp, cũng như hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cũng góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của bảo hiểm nông nghiệp.
Quyết định 2114/QĐ-BTC của Bộ Tài chính cũng đã tăng thêm quyền lợi cho người được bảo hiểm khi xảy ra thiệt hại về cây lúa do thiên tai, dịch bệnh gây ra và thuộc phạm vi bảo hiểm.
Cụ thể, nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với cây lúa lên 90% năng suất bình quân xã hoặc của đơn vị được bảo hiểm và áp dụng cho tất cả các địa phương triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa (thay cho mức 80% tại quy định cũ). Điều kiện bồi thường chi phí gieo trồng lại cũng được tăng lên phù hợp hơn với yêu cầu, nguyện vọng của nông dân…
Đối với cơn bão số 8 được đánh giá là mạnh nhất trong vòng hơn 30 năm qua đã khiến một số tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Hiện tại, các công ty bảo hiểm đang tiếp tục thống kê và chuẩn bị hoàn tất mọi thủ tục để sớm giải quyết đền bù thiệt hại cho nông dân./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã