Theo ông Hồ Sỹ Hùng- Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)- hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV trong năm 2014 chưa có nhiều cải thiện. Việc cung cấp bảo lãnh tín dụng thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng đã dừng từ năm 2011 đến nay. Hiện số dư Quỹ Dự phòng rủi ro bảo lãnh là 226 tỷ đồng trên tổng số 2.410 tỷ đồng giá trị chứng thư cam kết bảo lãnh tại VDB còn hiệu lực. VDB đã trả nợ thay DN kể từ khi thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh đến nay là 276 tỷ đồng, trong đó, DN đã hoàn trả cho ngân hàng 28,4 tỷ đồng. Theo báo cáo của VDB, số cam kết bảo lãnh 2.410 tỷ đồng là các khoản bảo lãnh có tiềm ẩn rủi ro lớn, đang có nhiều tranh chấp giữa VDB và các ngân hàng thương mại có nguy cơ trả nợ thay cao.
Thực tế, hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, cả về nguồn vốn, cơ chế hoạt động, năng lực thực hiện của các quỹ. Về mặt thể chế, hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV chưa đáp ứng được nhu cầu của DNNVV. Từ năm 2011 đến nay, VDB và ngân hàng thương mại đã dừng thực hiện bảo lãnh tín dụng, chỉ tập trung vào việc xử lý, thu hồi nợ.
“Cơ chế chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã được sửa đổi, bổ sung nhưng trong thực tế không khả thi”- ông Hồ Sỹ Hùng cho biết. Quyết định số 3/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại ngân hàng thương mại, nhưng Ngân hàng Nhà nước chậm trễ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện. Hiện đang còn nhiều bất cập trong quy chế này, dẫn đến sự chưa thống nhất giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc hướng dẫn các ngân hàng thương mại phối hợp với VDB như: Quy trình, thủ tục xem xét, thẩm định cho vay và bảo lãnh tạo thuận lợi cho DNNVV; DNNVV có tài sản bảo đảm mới được ngân hàng phát triển bảo lãnh; quy định về trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng thương mại…
Hiện đã có thêm một số địa phương thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng mới như: Thanh Hóa, Cần Thơ, Lạng Sơn, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Bình Định, Hòa Bình. |
Cũng không thể “đổ lỗi” hoàn toàn cho hệ thống ngân hàng. Việc các DNNVV khó khăn tiếp cận với bảo lãnh tín dụng còn do nguyên nhân chủ quan từ chính DN. Theo Ngân hàng Nhà nước, đó là chất lượng thông tin tài chính của DNNVV chưa cao, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định. Năng lực sản xuất - kinh doanh và khả năng tự chủ tài chính của các DNNVV còn hạn chế, quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, tài sản bảo đảm vay vốn chưa đáp ứng được yêu cầu (tính pháp lý chưa rõ ràng, tài sản không có khả năng phát mãi, giá trị bảo đảm thấp…).
Để cải thiện tình trạng đa số DNNVV vẫn chưa tiếp cận được vốn tín dụng dù ngân hàng thừa vốn cho vay, theo ý kiến của các chuyên gia, cần có bước đột phá và có cơ chế, chính sách để DNNVV tiếp cận, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại ngân hàng thương mại, nhằm đẩy mạnh triển khai bảo lãnh tín dụng tại VDB và hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại các địa phương; đồng thời, đẩy mạnh triển khai Quỹ phát triển DNNVV để các DN có thể tiếp cận được vốn vay từ các quỹ này.
Thúy Ngọc
baocongthuong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã