Chiều 5-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị chuyên đề phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới - khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.
2 gọng kìm “bóp” thu nhập nông dân
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, đánh giá những năm qua trên địa bàn TP, kinh tế hợp tác đã thể hiện được vai trò trong sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đã có sự liên kết tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng, nông dân liên kết và tham gia các tổ chức hợp tác với nhiều hình thức. Từ đó, quy mô tổ chức, thị trường tiêu thụ, sản xuất đa dạng hơn và thu nhập bình quân của nông dân đạt mức ổn định từ 40-50 triệu đồng/người/năm. Song, các HTX vẫn nhỏ lẻ. Hầu hết các HTX gặp khó khăn về đất đai, nhà xưởng, nguồn vốn, trụ sở làm việc…
“Vì vậy, tổ hợp tác, HTX phải nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết với nhau và các doanh nghiệp trong sản xuất giống, tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo ổn định “đầu vào, đầu ra” của sản phẩm”, đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai bày tỏ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân điểm lại những thành tựu của nông nghiệp Việt Nam như sản lượng nông nghiệp tăng nhanh. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới về một số mặt hàng như gạo, thủy hải sản, cà phê, cao su, chè, tiêu. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hoa quả tăng trưởng mạnh và năm 2017, mặt hàng này xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD (tương đương hạt điều, cà phê và vượt cao su).
Tuy nhiên, nông nghiệp lại gặp nhiều khó khăn, bất cập như được mùa rớt giá. Người nông dân không vay được vốn và có thu nhập thấp. Cùng đó, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp không ổn định. 4 khó khăn, yếu kém này tồn tại hàng chục năm là do quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất nông nghiệp không tương thích với kinh tế thị trường hiện nay.
Chính vì người nông dân sản xuất theo cá thể, không nắm bắt, am hiểu đầy đủ thị trường nên bị phụ thuộc lớn vào thương lái.
“Người nông dân bị nâng giá đầu vào (giống, phân bón, thức ăn) và ép giá bán đầu ra”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và phân tích 2 gọng kìm trên khiến thu nhập của nông dân thấp, tăng không tương ứng so với việc tăng năng suất, tăng sản lượng sản phẩm nông nghiệp.
Thực tế này càng đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả nhằm tăng vị thế của người nông dân trong việc đàm phán với người cung cấp các yếu tố đầu vào và với tư thương để không bị ép giá.
Đảm bảo nông dân TPHCM có thu nhập cao
Đề cập về hoạt động sản xuất nông nghiệp ở TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng về “rau muống VietGrap vấp váp đầu ra”.
Theo đó, sản phẩm rau muống của TPHCM được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGrap nhưng khi vào siêu thị, cửa hàng không ai biết. Như vậy, dù sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGrap hay không được công nhận thì giá cả cũng như nhau.
Dẫn chứng trên cho thấy, nông dân tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại gặp khó khăn. Điều này sẽ không đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững.
Trước việc Hội Nông dân TP chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu Hội Nông dân TP lần thứ X (2018-2023), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Hội Nông dân TP có đánh giá kỹ hơn về thu nhập của nông dân TP hiện nay. Từ đó xem xét trong thời gian tới sẽ vận động nông dân tiếp tục hoạt động cá thể, là nông dân sản xuất giỏi, làm thuê cho doanh nghiệp hay tham gia vào HTX để trở thành HTX kiểu mới, tiên tiến.
“Theo xu hướng hiện nay thì không thể tiếp tục duy trì, kéo dài sản xuất nông nghiệp theo mô hình cá thể”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý và giao nhiệm vụ Ban Chấp hành Hội Nông dân TP phải thảo luận, xác định chuyển biến lớn nhất của nông nghiệp của TPHCM từ đâu. |
Đồng chí Nguyễn Thiện nhân cũng gợi ý trước tiên cần tạo sự thay đổi, chuyển chuyển biến từ nhận thức, sớm chuyển từ sản xuất cá thể, độc lập sang sản xuất trong loại hình tổ hợp tác, HTX.
Về chính sách của TPHCM đối với phát triển nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, TPHCM có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp. Song, trong 7 chương trình đột phá TPHCM đang thực hiện thì không có nông nghiệp. TPHCM phải coi phát triển nông nghiệp của TPHCM là một chương trình đột phá, trong đó quan tâm đến về thu nhập của người nông dân, về tái cơ cấu. “Hội Nông dân TP phải đề xuất với chính quyền TPHCM, xem phát triển nông nghiệp của TP là một chương trình đột phá”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Kiến nghị xây dựng công trình trên đất nông nghiệp Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng nêu lên các bất cập trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ở TPHCM. Giám đốc HTX nông nghiệp thương mại - dịch vụ Phú Lộc Trần Văn Chánh, cho biết HTX Phú Lộc được ngành nông nghiệp TPHCM thông báo tạo điều kiện để nâng cấp nhà xưởng và trang thiết bị hiện đại nhằm xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Song, việc xây dựng, mở rộng nhà xưởng, nhà sơ chế để đáp ứng năng suất cho thị trường gặp vướng mắc. Từ đó, ông Trần Văn Chánh kiến nghị được xây dựng các công trình, như nhà sơ chế sản phẩm nông nghiệp trên đất nông nghiệp. Trước các kiến nghị nêu trên, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu lãnh đạo Sở NN-PTNT nêu ý kiến. Trả lời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Ngọc Hổ khẳng định, Sở NN-PTNT đã chủ trì làm việc về những vướng mắc nêu trên. Hiện nay, UBND TP đã có chủ trương hỗ trợ HTX Phú Lập xây dựng nhà sơ chế trên đất nông nghiệp và Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND huyện Củ Chi xem xét, giải quyết. Riêng về chủ trương xây dựng các công trình phục vụ nông nghiệp trên đất nông nghiệp thì UBND TP đã giao Sở Xây dựng xem xét, tham mưu để có quy định chung. |