Theo ông Nguyễn Văn Hải, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, nông dân trong huyện đã thành công trong việc đưa cây sả xuống chân ruộng hình thành nên vùng chuyên canh sả lớn nhất tỉnh với diện tích trên 1.500 ha mỗi năm cho sản lượng trên 20.000 tấn sản phẩm.
Rồi vùng sản xuất luân vụ theo mô hình tôm lúa với diện tích trên 500 ha ở xã ven biển Phú Tân mang lại nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng độc canh lúa 1 vụ/năm bấp bênh trước đây.
Nông dân Phạm Văn Minh, sinh năm 1967, ngụ tại ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông có 3,5 ha đất trồng lúa chuyển đổi sang mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ tôm/năm. Thông thường, khi mùa mưa vào cao điểm, nước ngọt dồi dào, ông làm đất và xuống giống lúa vào thời điểm khoảng tháng 7, 8 và thu hoạch cuối năm, khi bắt đầu mùa khô ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Lúa thu hoạch xong, ông tập trung gia cố bờ bao, cống bọng lấy nước vào ruộng và thả nuôi ghép tôm sú, tôm thẻ, cua biển… theo mô hình nuôi quảng canh cải tiến. Ông Minh hạch toán, với mô hình 1 vụ lúa và 1 vụ tôm mỗi năm, ông thu lãi ròng trên 214 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng lúa độc canh trước đây.
Còn ông Lê Hồng Đáng, cư ngụ tại ấp Gảnh, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông chuyển đổi 1.300m2 đất lúa (0,13 ha) sang trồng ớt và 10.000 m2 (1 ha) sang trồng sả. Trong năm vừa qua, ông lãi trên 21 triệu đồng ớt, 40 triệu đồng từ sả. Vị chi thu được trên 60 triệu đồng từ ớt và sả trên diện tích hơn 1,1 ha đất canh tác.
Ông Lê Hồng Đáng đánh giá, cây ớt và sả thích hợp đưa xuống trồng trên chân ruộng ở Tân Phú Đông, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp cho nhiều nông dân địa phương khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, sớm dựng nên cơ nghiệp bền vững nơi đầu sóng ngọn gió.
Nông dân huyện ven biển Gò Công Đông chuyển đổi từ trồng lúa sang xây dựng những mô hình liên kết trồng rau an toàn, lập vườn chuyên canh cây ăn quả đặc sản phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Qúy, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông cho biết, mỗi năm, toàn huyện trồng 10.300 ha màu trong đó có hàng ngàn ha màu trên ruộng, sản lượng thu hoạch đạt 145.000 tấn; 1.320 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt 35.000 tấn quả/năm.
Nhiều mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu sáng tạo đang áp dụng thành công như trồng rau an toàn, trồng thanh long ruột đỏ trên nền đất lúa ở các xã ven biển… Ông Trần Văn Bương, Giám đốc hợp tác xã rau an toàn xã Tân Đông cho biết, hợp tác xã có qui mô 7 thành viên, diện tích sản xuất 12,42 ha sản xuất rau màu theo quy trình an toàn hoặc VietGAP.
Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho các siêu thị, bếp ăn tập thể từ 2 đến 3 tấn rau an toàn, giải quyết công ăn việc làm cho vài chục lao động với thu nhập từ 3 triệu đồng đến 3,8 triệu đồng/người/tháng. Trong năm qua, hợp tác xã đạt lợi nhuận sản xuất gần 200 triệu đồng.
Kiểng Phước, một xã ven biển của huyện Gò Công Đông, đang phát triển mạnh mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất nhiễm mặn. Tại đây, hiện có 60 hộ nông dân trồng thanh long ruột đỏ với diện tích gần 40 ha. Theo ông Trịnh Văn Phúc, nông dân trồng thanh long ruột đỏ tại địa phương, cây thanh long thích hợp với thổ nhưỡng, dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Với năng suất khoảng 40 tấn quả/ha, giá bán từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg, mỗi ha thanh long ruột đỏ cho bà con lợi nhuận ròng hàng tỷ đồng. Do vậy, thanh long đã giúp cho nông dân Kiểng Phước có cuộc sống sung túc.
Địa phương đã ra mắt hợp tác xã trồng thanh long VietGAP, Kiểng Phước và đang qui hoạch vùng trồng thanh long trên đất nhiễm mặn quy mô 250 ha. Tương lai, thanh long ruột đỏ sẽ trở thành cây làm giàu cho nông dân Kiểng Phước và vùng duyên hải Gò Công của huyện Gò Công Đông.
“Trồng lúa kiểu cũ ngày nay đã lỗi thời và cây thanh long ruột đỏ lên hương, giúp nông dân miền biển dựng nên cơ nghiệp vững bền chính là một trong những tất yếu cần kịp thời nắm bắt", ông Võ Văn Ra, Giám đốc hợp tác xã thanh long VietGAP Kiểng Phước chia sẻ.
Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tỉnh đang nỗ lực để chuyển đổi sản xuất thông qua những việc làm và giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Phương châm là biến thách thức, trở ngại thành cơ hội phát triển bền vững, phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy được tiềm năng đất đai, lao động, giúp nông dân làm giàu. Để trong tương lai, duyên hải Gò Công trở thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao tập trung lớn mà chủ lực là thanh long ruột đỏ, tôm cua, lúa chất lượng cao...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã