Lượng sản phẩm tham gia tăng cả chất và lượng
Ông Phan Văn Bản - Phó Cục trưởng Cục CNĐP - cho biết, bình chọn SPCNNTTB được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và nằm trong kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2014. Cục CNĐP phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Quảng Nam, Long An, Yên Bái tổ chức bình chọn cấp khu vực của 3 vùng trên cả nước: miền Trung – Tây Nguyên; miền Nam và miền Bắc.
Với 531 hồ sơ sản phẩm của 47/63 tỉnh, thành phố gửi về đăng ký tham gia bình chọn đã cho thấy, chương trình ngày càng thu hút sự quan tâm của các địa phương (năm 2012 chỉ có 372 sản phẩm tham gia từ 36/63 tỉnh, thành phố trên cả nước). Các sản phẩm tham gia bình chọn cấp khu vực đều là những đại diện tiêu biểu của các địa phương. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đạt SPCNNTTB cấp khu vực kỳ trước tiếp tục đăng ký tham gia bình chọn kỳ này. Sau thời gian làm việc khẩn trương, bảo đảm đúng nguyên tắc, thông qua kết quả chấm điểm của Ban giám khảo, đã có 166 sản phẩm được bình chọn SPCNNTTB tiêu biểu cấp khu vực năm 2014. Đây đều là những sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; có tiềm năng phát triển mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng được các tiêu chí về bảo vệ môi trường.
Để công tác bình chọn thực sự đạt hiệu quả cao trong việc khuyến khích thúc đẩy phát triển CNNT, khuyến khích các DN đưa sản phẩm tham gia bình chọn nhiều hơn với chất lượng ngày càng cao, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ phát triển sản phẩm; các đầu mối được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện sẽ phải bám sát các đơn vị, cơ sở sản xuất nhằm khuyến khích các sản phẩm có tiềm năng, thị trường được phát triển ngày càng tốt hơn. |
Nhiều chính sách khuyến khích hợp lý
Theo ông Phan Văn Bản, mục đích bình chọn SPCNNTTB là nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT. Do đó, những sản phẩm đạt tiêu chí SPCNNTTB sẽ có những quyền lợi nhất định. Bên cạnh phần thưởng bằng tiền mặt, sản phẩm còn được in hoặc dán nhãn logo của chương trình bình chọn SPCNNTTB trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm được công nhận; được ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương để phát triển sản phẩm; được tư vấn, tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư khác của nhà nước theo quy định. Đồng thời được đăng tải thông tin giới thiệu về sản phẩm trên các phương tiện thông tin ở địa phương và trung ương (tùy từng cấp đạt SPCNNTTB).
Đặc biệt, ngoài việc thông tin tuyên truyền để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở vùng, miền khác biết được về sản phẩm của mình, những DN có cơ hội học hỏi để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, yêu cầu sản xuất để các nhà phân phối quan tâm. Đồng thời, sản phẩm còn được trưng bày, triển lãm nên đơn vị sản xuất có thêm cơ hội giới thiệu trực tiếp về sản phẩm của mình.
Theo các chuyên gia, công tác bình chọn SPCNNTTB cấp khu vực năm 2014 được thực hiện theo Thông tư số 35/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP được ban hành, một số quy định về việc tổ chức bình chọn SPCNNTTB tại Thông tư 35 đã không còn phù hợp. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức thực hiện cũng phát sinh một số khó khăn như: quy định về các tiêu chí bình chọn; hồ sơ, sản phẩm tham gia bình chọn, cấp bình chọn, thời hạn có giá trị của giấy chứng nhận, các chính sách hỗ trợ... còn nhiều điều bất cập. Để đồng bộ hóa hệ thống văn bản quy phạm hướng dẫn bình chọn SPCNNTTB, ngày 28/8/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 26/2014/TT-BCT quy định về tổ chức bình chọn SPCNNTTB thay thế Thông tư số 35/2010/TT-BCT. Theo đó, sản phẩm tham gia bình chọn là sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do chính cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất và đăng ký tham gia. Một cơ sở CNNT có thể đăng ký tham gia bình chọn cho một hoặc nhiều sản phẩm. Một sản phẩm có thể đăng ký tham gia nhiều kỳ bình chọn. Sản phẩm được bình chọn được chia thành 4 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia; 4 nhóm: sản phẩm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí; nhóm sản phẩm khác; đánh giá qua 4 tiêu chí: đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường; tính văn hóa và thẩm mỹ; tiêu chí khác.
Trong thời gian diễn ra sự kiện bình chọn SPCNNTTB tại các khu vực Bắc, Trung, Nam trong năm 2014, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa cơ sở sản xuất với hệ thống các nhà phân phối trên cả nước. Tại các hội nghị này, nhiều SPCNNTTB đã được các đơn vị phân phối lớn trong nước ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ. Đây chính là sự kết nối giữa cung và cầu rất thiết thực, hiệu quả.