Các điều kiện kinh doanh được đề nghị cắt giảm thuộc 11 ngành nghề
Dự thảo Nghị định Sửa đổi một số nghị định quy định về điều kiện ĐTKD trong lĩnh vực nông nghiệp vừa được Bộ NN&PTNT gửi Bộ Tư pháp thẩm định nhằm hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.
Tờ trình Dự thảo Nghị định nêu rõ, theo quy định của Luật Đầu tư (sửa đổi) và pháp luật hiện hành, lĩnh vực nông nghiệp hiện có 33 ngành nghề ĐTKD có điều kiện với 345 điều kiện ĐTKD. Các điều kiện ĐTKD này được quy định tại 5 luật, 2 pháp lệnh và 7 nghị định.
Tuy nhiên trên thực tế, phản ánh của nhiều DN trong ngành này cho biết, họ gặp rất nhiều rào cản từ các điều kiện ĐTKD nêu trên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến số lượng và quy mô DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn giai đoạn vừa qua còn khiêm tốn, chỉ chiếm gần 1% tổng số DN hiện nay.
Gỡ rào cản cho DN, Dự thảo Nghị định Sửa đổi một số nghị định quy định về điều kiện ĐTKD trong lĩnh vực nông nghiệp gồm 6 điều, đề xuất cắt giảm 131 điều kiện ĐTKD thuộc 11 ngành nghề ĐTKD có điều kiện như: Thú y (36 điều kiện), thức ăn chăn nuôi (13 điều kiện), quản lý chất lượng (30 điều kiện), sản phẩm biến đổi gen (6 điều kiện), bảo vệ và kiểm dịch thực vật (23 điều kiện)…
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, đợt cắt giảm này trước hết là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao các bộ rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện ĐTKD thuộc lĩnh vực quản lý theo Nghị quyết 01/NQ-CP cũng như Nghị quyết 19-2018/NQ-CP. Mặt khác, xuất phát từ thực tiễn quản lý ngành, có một số vấn đề được quy định trong một số nghị định chưa đầy đủ (quảng cáo thức ăn chăn nuôi) hoặc không phù hợp với thực tiễn, cần được bổ sung.
Cắt giảm thực chất các điều kiện gây khó
Về nguyên tắc cắt giảm các điều kiện ĐTKD, bà Kim Anh cho biết, Bộ NN&PTNT tuân thủ nguyên tắc “3 không” nhằm cắt giảm thực chất các điều kiện ĐTKD, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN. Đó là: Không quy định lại những điều kiện mà các ngành nghề khác đã quy định; không quy định những điều kiện mà Nhà nước không thực sự phải quản lý nhằm tạo tính chủ động và chịu trách nhiệm trong nông nghiệp; và không quy định những điều kiện về quy trình, tổ chức quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong điều kiện ĐTKD.
Liên quan đến hoạt động rà soát, cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc diện quản lý của Bộ NN&PTNT, đại diện Vụ Pháp chế thông tin, không phải bây giờ Bộ mới thực hiện, mà việc này đã được tiến hành từ năm 2017 với việc bắt tay vào rà soát các mặt hàng phải kiểm tra. Qua rà soát, có 6.798 mặt hàng phải kiểm tra có gắn mã HS. Đến nay, Vụ Pháp chế đang cùng các đơn vị thuộc Bộ tiến hành cắt giảm mặt hàng thuộc diện này theo yêu cầu của Nghị quyết số 19. Bà Kim Anh nói thêm, bên cạnh cắt giảm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng nghiên cứu, tham khảo các quy định của pháp luật quốc tế để việc cắt giảm vừa tạo điều kiện thông thoáng cho DN, vừa phải bảo đảm an toàn chất lượng cho người dân.
Theo kế hoạch, ngay sau khi Bộ Tư pháp thẩm định xong, Dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 6/2018.
Việt Anh/baodauthau.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã