Sau khi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, anh Phạm Văn Dũng làm việc cho 1 công ty đóng tàu với mức lương hàng chục triệu đồng/ tháng. Công việc của một kỹ sư cơ khí đóng tàu có lẽ sẽ gắn với anh Dũng cho đến hết tuổi lao động nếu như trong lòng anh cứ xuất hiện niềm ấp ủ muốn về quê lập nghiệp. Quyết định ở lại làm việc hay về quê là mối trăn trở của anh Dũng nhiều đêm. Và sau cùng, sau khi đã tích góp được một số tiền lớn để làm vốn, cuối năm 2015 anh quyết định về quê lập nghiệp.
Nhận thấy thị trường rất khan hiếm rau sạch, rau an toàn nên anh Dũng quyết định xây dựng mô hình trồng rau. Khi thấy anh bỏ lương kỹ sư cơ khí về quê nhiều người đã "sốc" không thể tin nổi. Tới khi anh tính chuyện trồng rau thì nhiều người kêu anh "muốn khùng". Khi không bỏ việc lương cao về quê "nghịch đất, nghịch cát" làm gì cho vất vả. Rồi tưởng về quê làm gì, hóa ra chỉ để trồng...rau như nông dân. Mặc nhiều lời bàn tán, anh Dũng vẫn âm thầm làm công việc anh mong muốn. Để có đất làm trang trại, anh mạnh dạn đấu thầu hơn 5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả của xã Khánh Thành để cải tạo chuyển đổi sang mô hình trồng rau. Và anh tìm hiểu, học hỏi, áp dụng tiêu chuẩn trồng rau VietGAP.
Anh Phạm Văn Dũng đang kiểm tra, chăm sóc ruộng mướt đắng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao.
Với diện tích đất ruộng trũng thuê được, anh Dũng mạnh dạn bỏ tiền cải tạo ruộng trũng, đầu tư một cách bài bản và khoa học như hệ thống nhà kính, hệ thống tưới nước tự động, giàn leo...Sau khi cải tạo xong, anh bắt tay luôn vào trồng các loại rau, củ, quả thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng mọi chuyện làm giàu, nhất là làm giàu trong nông nghiệp, làm giàu ở nông thôn không phải là giấc mơ dễ thành hiện thực.
“Do mới bắt tay vào làm kỹ thuật chưa có nên số rau quả trồng ra có mẫu mã, sản lượng, chất lượng kém, không bán được. Còn khi anh đã nắm được kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc thì lại rơi vào đúng thời điểm dội chợ, bão giá thấp không bán được. Có thời điểm, mỗi ngày gia đình anh đổ đi hàng chục tấn rau quả, lỗ hàng trăm triệu đồng. Sau quãng thời gian đó, nhiều người chắc mẩm "quả này ông Dũng khùng" chừa không "nghịch đất" trồng rau nữa. Nhưng anh Dũng thì vẫn quyết tâm, kiên trì. Anh cất công đi tìm mối mua rau, đặt quan hệ bạn hàng với các đối tác để hàng ngày cung cấp rau với số lượng ổn định dần dần...
Nhờ trồng rau, củ, quả thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, khi đầu ra tương đối ổn định nên mỗi năm gia đình anh Dũng lãi hơn 1 tỷ đồng.
Anh Phạm Văn Dũng cho biết, việc trồng rau phải thực hiện đúng tiêu chuẩn cũng như kỹ thuật, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, nước tưới là nước ngầm qua xử lý không dùng nguồn nước kênh, mương...”Gia đình tôi luôn đặt sự an toàn cho người tiêu dùng lên hàng đầu, không vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng sức khỏe người khác” anh Dũng tâm sự.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình trồng rau của nhà mình, anh Dũng cho biết, hiện nhà anh đang có 1.500m2 nhà kính để trồng dưa chuột an toàn và hàng ngàn m2 giàn leo để trồng các loại cây lấy quả khác như mướp Nhật, mướp đắng và hàng ngàn m2 trồng rau xanh ăn lá...Tất cả đều được anh Dũng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và có dán nhãn đảm bảo địa chỉ, chủ hộ, ngày thu hoạch...
Rau, củ, quả thực phẩm của gia đình anh Dũng hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, nước tưới là nước ngầm qua xử lý.
Cũng theo anh Dũng, trung bình mỗi ngày gia đình anh xuất ra thị trường khoảng gần 20 tấn rau, củ, quả thực phẩm các loại với mức giá dao động khoảng từ 7.000-8000 đồng/1kg. Trang trại trồng rau VietGAP của gia đình anh đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức lương từ 3-5 triệu đồng...
“Trồng rau VietGAP này không giống như trồng rau thông thường, vì phải đầu tư bài bản nên chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng đổi lại đầu ra ổn định và thu nhập cao hơn so với trồng rau thông thường...” anh Dũng khẳng định.
Tới bây giờ, sau 5 năm bỏ công việc lương cao về quê trồng rau, tuy vẫn còn những người boăn khoăn về tương lai mô hình trồng rau VietGAP của anh Phạm Văn Dũng, nhưng đa số bà con địa phương đều thán phục sự kiên trì, ý chí quyết tâm làm rau an toàn, rau sạch của anh.
Theo: Phạm Quân/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã