Hậu tái cơ cấu: Tăng trưởng nông nghiệp tăng cao chưa từng thấy
Nhìn lại thời điểm trước khi thực hiện tái cơ cấu ngành vào năm 2013, Bộ trưởng Cường cho hay, thời điểm đó, nông nghiệp đã làm nên những thành tựu thần kỳ. Tuy nhiên, tồn tại của nền nông nghiệp khi đó là năng suất, hiệu quả rất thấp, sản xuất bấp bênh. Người dân sản xuất kiểu “thục mạng” mà không biết đến đầu ra, chưa có chuỗi sản xuất khép kín. Trong khi đó, nền kinh tế lại đang trên đà hội nhập sâu rộng, nguy cơ thua ngay trên sân nhà là rất lớn. Chưa kể, giai đoạn dân số vàng đã sắp kết thúc mà vẫn chưa kịp giàu.
Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, bức tranh của ngành gần như lột xác. Một trong những điểm nhấn 5 năm qua, là số doanh nghiệpđầu tư vào nông nghiệp tăng nhanh chưa từng có.
“Chỉ trong vòng 4 năm gần đây, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng gấp 3 lần, từ 3.000 doanh nghiệp lên 9.000 doanh nghiệp, chưa kể 49.000 ở khu vực công nghiệp chế biến phụ trợ cho nông nghiệp. Số lượng HTX cũng phát triển nhanh chóng lên tới 13.200, cùng 33.000 trang trại đã đồng hành rất tốt với hơn 8 triệu nông dân. Dự kiến, năm 2018, các thành phần kinh tế sẽ đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng vào nông nghiệp. Phải nói rằng, chúng tôi hết sức cảm ơn các doanh nghiệp đã chủ yếu đầu tư bằng khát vọng, vượt qua khó khăn, đầu tư vào lĩnh vực lợi nhuận ít nhưng rủi ro cao như nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, sau 5 năm tái cơ cấu, nông nghiệp đang đứng trước cục diện phát triển mới. Tăng trưởng GDP nông nghiệp năm nay sẽ cao nhất trong vòng nhiều năm gần đây, xuất khẩu cán đích 40 tỷ USD, tỷ lệ đói nghèo giảm một nửa so với năm 2012, còn dưới 7%. Đặc biệt, so với thời điểm mới bắt đầu tái cơ cấu, thu nhập của bà con nông dân đã tăng gấp đôi, từ 18,6 triệu đồng/người năm 2012 lên khoảng 36-37 triệu đồng/người vào năm nay.
Mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp thông minh
Báo cáo tại Hội nghị, báo cáo của Bộ NN&PTNT chỉ rõ, ngành nông nghiệp đã thu được 9 thành tựu lớn sau 5 thực hiện tái cơ cấu.
Một là, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và trong toàn xã hội về sự cần thiết phải cơ cấu lại nền nông nghiệp nhằm khắc phục những giới hạn của nền nông nghiệp kinh tế hộ, quy mô nhỏ với những yếu kém nội tại để nâng cao khả năng cạnh tranh…
Hai là, hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tiếp tục đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn. Chỉ trong vòng 5 năm qua, đã có 7 luật về nông nghiệp được Quốc hội thông qua và 2 luật sắp được thông qua.
Ba là, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bốn là, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế.
Năm là, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa. Đến nay, đã có 40% trong tổng số hơn 9.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sáu là, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi hơn, đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.
Bảy là, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm. Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã hỗ trợ đào tạo cho khoảng 1,19 triệu người. Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp tăng từ 20% lên 38%.
Tám là, cơ cấu đầu tư công trong nông nghiệp được điều chỉnh theo các mục tiêu ưu tiên, chấm dứt dàn trải, nâng cao hiệu quả.
Chín là, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được tăng cường. Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát các thủ tục hành chính; bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục (56,5%); 241/345 điều kiện đầu tư kinh doanh, (69,8 %) 35/64 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, (54,6%); danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan xuất nhập khẩu cắt giảm từ 7.698còn 1.800 (76,6%).
Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, những tồn tại trước mắt còn nhiều. Do đó, tái cơ cấu nông nghiệp là chiến lược lâu dài, đòi hỏi có tầm nhìn xa, vì thế mới xác định, đề án này có tầm nhìn thực hiện đến năm 2045.
Mục tiêu chung của ngành nông nghiệp được xác định trong thời gian tới, đó là: Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã