Tam Vinh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho quê hương. Ảnh: X.NGHĨA |
Phát triển đảng
Nguyên là cán bộ huyện được điều động làm Bí thư Đảng ủy xã Tam Vinh giai đoạn 2011 - 2014, ông Ngô Mỹ - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phú Ninh cho biết, ông về nhận nhiệm vụ khi mà công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên của Tam Vinh nhiều năm liền không đạt chỉ tiêu. Không phát triển được đảng viên dẫn đến thiếu hụt cán bộ, nhất là ở cấp thôn. Từ thực trạng đó, Đảng ủy xã tiến hành khảo sát tại các thôn và chi bộ trực thuộc tìm hiểu nguyên nhân để đề ra giải pháp phù hợp. Sau khi rà soát, phân công đảng ủy viên đứng điểm báo cáo thực trạng, Đảng ủy xã ra nghị quyết huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tìm những nhân tố tâm huyết tham gia các hội đoàn thể để tạo nguồn phát triển đảng viên. Cũng theo ông Ngô Mỹ, khi đi cơ sở nhận được ý kiến cho rằng thanh niên không tự phấn đấu nên khó phát triển đảng. Và trong cuộc họp Ban Thường vụ Đảng ủy xã ông đã thẳng thắn phân tích nguyên nhân không có nguồn phát triển đảng và không thể trách thanh niên không tự phấn đấu. Trách nhiệm chính là đoàn thể phải giúp đỡ để thanh niên cống hiến, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị xã Tam Vinh, từ một địa phương không thôn nào có chi ủy, đến cuối năm 2014 cả 6/6 thôn đều có chi ủy; toàn đảng bộ kết nạp được 49 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn xã lên 103 người. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Vinh - Võ Tấn Hùng cho biết, do làm tốt công tác phát triển đảng, cán bộ chủ chốt của các thôn trên địa bàn xã hiện nay đều là đảng viên. Với sự tích cực vào cuộc của đảng viên cơ sở, các phong trào xây dựng văn hóa ở khu dân cư hay dồn điền đổi thửa, chỉnh trang tường rào cổng ngõ… được nhân dân đồng lòng hưởng ứng khi triển khai. Nhiều đảng viên trẻ đã phát huy vai trò trong các hoạt động thanh niên, xây dựng chính quyền, đảm trách tốt công việc, như Phó Bí thư Đoàn xã Dương Văn Long (ở thôn Lâm Môn), hay Nguyễn Văn Linh được đoàn thể giúp đỡ và giới thiệu kết nạp vào Đảng năm 2014, nhân dân thôn Đức Thạnh tín nhiệm cử làm công an viên.
Nói về công tác lãnh đạo chính quyền gắn với công tác xây dựng đảng 5 năm qua của đảng bộ, ông Võ Tấn Hùng khẳng định, bồi dưỡng tìm nguồn cán bộ để đào tạo và phát triển đảng viên ở từng địa bàn dân cư là công tác hết sức quan trọng để đưa phong trào chung của địa phương ngày càng đi lên. Đó là nền tảng để Tam Vinh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới.
Diện mạo mới
Sự đổi thay của Tam Vinh, nổi bật nhất có thể kể đến là giảm nhanh số hộ nghèo. Đầu nhiệm kỳ năm 2010, toàn xã có 223 hộ nghèo, đến cuối năm 2014 còn 67 hộ (tỷ lệ 5,15%); năm 2010 thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng thì đến năm 2014 tăng lên 22 triệu đồng. Trong khi đó Tam Vinh là địa phương có số đối tượng chính sách cách mạng nhiều nhất huyện với hơn 430 trường hợp. Dù xuất phát điểm thấp, nhưng với sự đồng tâm của Đảng và chính quyền, sự chung tay góp sức của nhân dân, cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi trên địa bàn xã dần hình thành, để vùng đất sát địa danh Ao Lầy hôm nay hồi sinh và không còn cảnh thiếu ăn, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. “Cả hệ thống chính trị và nhân dân đoàn kết là giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững, giúp nhân dân phát triển kinh tế ở từng thôn, tổ đoàn kết” - ông Võ Tấn Hùng nói.
Đến nay, Tam Vinh có tổng diện tích sản xuất lúa hơn 480ha, cùng nhiều vùng chuyên canh hoa màu đem lại thu nhập cho nhân dân. Xã cũng đã hình thành cánh đồng mẫu hơn 23ha tại thôn Tú Bình và sẽ được nhân rộng trên địa bàn. Địa phương cũng đã bê tông hóa tuyến kênh mương nội đồng đưa nước đập Bổi, đập Gò Mít thôn Tân Vinh hay đập Cây Sanh ở thôn Lâm Môn về phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước đây đất nông nghiệp ở các thôn trên dựa vào nước trời nên chỉ sản xuất 1 vụ lúa và năng suất đạt thấp. Nay nguồn nước tưới ổn định, nông dân đã sản xuất 2 vụ lúa. Bên ruộng lúa giống PC15 đang thu hoạch ở đồng Võng, ông Nguyễn Tấn Triều (thôn Lâm Môn) phấn khởi cho biết, từ khi có đập Cây Sanh, 20ha lúa ở đồng Võng không bao giờ thiếu nước, bà con sản xuất 2 vụ, năng suất đạt cao, cùng với phát triển kinh tế vườn, rừng, nông dân đã có của ăn của để.
Trao đổi với chúng tôi về sự phát triển kinh tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Vinh - Nguyễn Khắc Trọng vui mừng cho biết, hiện xã có 38 gia trại, trang trại; bên cạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, xã đang hướng đến phát triển kinh tế rừng và hiện nay toàn xã có gần 390ha rừng keo lá tràm, hàng năm có khoảng 100ha cho thu hoạch.
Rời Tam Vinh, chúng tôi nhớ lời ông Nguyễn Khắc Trọng bảo rằng quê mình đang chọn hướng đi đúng để từng bước xây dựng bộ mặt nông thôn mới bền vững chứ không chạy theo thành tích.
XUÂN NGHĨA
Theo Báo Quảng Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã