Siêu lợi nhuận
Điển hình cho sự tăng tốc diện tích nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ở Cà Mau, phải kể đến vùng nuôi của huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau xưa nay vốn chủ yếu nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh hay quãng canh cải tiến, nhưng năm nay, toàn huyện có hơn 100 ha nuôi tôm thẻ siêu thâm canh theo các mô hình của Công ty C.P. Việt Nam và Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh.
Trên diện tích 10.000 m2 được anh Lê Việt Khải, ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, thiết kế thành 1 ao ương diện tích 150 m2, 2 ao nuôi mỗi ao 1.100 m2 (chiếm khoảng 30% diện tích), còn lại là ao lắng, xử lý, ao sẵn sàng… Các ao ương, ao nuôi đều được lót bạt bờ và bạt đáy, còn bên trên được phủ bằng lưới lan màu xanh để che mát cho tôm theo mô hình CPF – Combine Model của Công ty C.P. Việt Nam hướng dẫn. Đợt đầu đầu tiên, anh Khải ương 300.000 con post của C.P. Việt Nam, sau 30 ngày, tôm được chuyển sang ao nuôi bằng hệ thống xả đáy. Chỉ mất thêm 58 ngày chăm sóc trong ao nuôi anh Khải thu hoạch được trên 7 tấn tôm cỡ 28 con/kg, bán được trên 900 triệu đồng, lợi nhuận gần 500 triệu đồng.
Còn anh Ngô Tấn Cường, ở thị trấn Cái Đôi Vàm cũng thực hiện mô hình CPF - Combine Model của C.P. Việt Nam, nhưng ao ương của anh có diện tích đến 300 m2 và 2 ao nuôi, mỗi ao 1.400 m2 và mật độ ao nuôi đến 250 con/m2. Dù với mật độ khá cao, nhưng chỉ sau 85 ngày (tính cả ngày ương), tôm của anh đã vào cỡ 30 con/kg, cho sản lượng thu hoạch gần 12 tấn/ao. Tính ra chỉ trong 1 vụ, với 2 ao nuôi anh Cường thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Cũng ở thị trấn Cái Đôi Vàm, ông Quách Công Luận, ấp Thanh Đạm A, thả nuôi 2 ao, mỗi ao 1.200 m2, với mật độ từ 150 - 200 con/m2, mỗi ao lãi khoảng 300 triệu đồng. Ông Luận nói vui: “Mô hình này tuy ao nhỏ, nhưng có võ, vì tính ra đầu tư 1 là thu lãi 1 chỉ trong vòng 3 tháng”.
Ngành nông nghiệp Cà Mau cho biết, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau tăng gần 700 ha so với năm 2016. Ông Mã Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau cho biết: “Con số trên đến nay vẫn chưa dừng lại, vì mức lợi nhuận mô hình này là rất cao so với những mô hình nuôi trước đây. Theo nhận định của chúng tôi, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau sẽ phát triển mạnh trong năm 2018, nên việc chuyển giao quy trình nuôi thành công cũng được ngành chuẩn bị ngay từ lúc này để đảm bảo thành công cho mô hình và vụ nuôi của tỉnh”.
Để phát triển bền vững
Năm 2017, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đạt khoảng 500 ha nuôi tôm siêu thâm canh, sản lượng khoảng 10.000 tấn, đến năm 2020, sản lượng đạt 22.000 tấn và năm 2030, tổng diện tích nuôi lên đến 2.000 ha, năng suất 25 tấn/ha, sản lượng đạt 50.000 tấn, trong tổng số 415.000 tấn tôm của tất cả các mô hình. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, toàn tỉnh có 49 hợp tác xã thuỷ sản, từ đầu năm đến nay, có 8 doanh nghiệp ký kết 27 lượt hợp đồng liên kết với 8 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác. Hiện nay tỉnh đã có 2 quy trình nuôi siêu thâm canh chính do hai công ty là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chuyển giao.
Để đáp ứng yêu cầu nuôi tôm siêu thâm canh ngày một tăng cao, theo ông Châu Công Bằng, ngành đang khẩn trương triển khai các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án đã được duyệt. Theo đó, tập trung rà soát, xác định những quy hoạch trọng tâm, trọng điểm và những khâu mũi nhọn, có vai trò đột phá. Ngoài ra, ngành nông nghiệp hiện đã có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương hỗ trợ người dân trong tiếp cận vốn, cung ứng điện phục vụ sản xuất, tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản, hỗ trợ trong chế biến và xuất khẩu thủy sản… để nghề nuôi tôm không chỉ phát triển nhanh mà còn bền vững.
Tuy nhiên, sự phát triển khá nóng của mô hình nuôi tôm siêu thâm ở Cà Mau đã và đang đặt ra không ít những khó khăn, thách thức về nguy cơ phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt điện năng… Thực tế cho thấy, bên cạnh những thành công lớn vẫn có những mô hình nuôi gặp thất bại, nên vấn đề đảm bảo tính bền vững đã và đang được ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau khẩn trương triển khai để đáp ứng kịp thời cho vụ nuôi năm 2017 được thành công như mong đợi.
>> Nhờ nuôi tôm siêu thâm canh, nên năng suất tôm nuôi của tỉnh Cà Mau đạt cao. Trong 10 tháng năm 2017, sản lượng chế biến tôm của tỉnh Cà Mau đạt gần 110.000 tấn, tăng 8% so cùng kỳ 2016, với kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 837 triệu USD, tăng 8,5% so cùng kỳ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã