Điểm sáng
Nói đến canh tác nông nghiệp ở Hải Phòng, người ta thường lấy Vĩnh Bảo làm ví dụ. Cũng dễ hiểu, bởi ít có huyện nào phát triển được 179 vùng sản xuất (SX) tập trung như nơi đây.
Từ bước đột phá trong lĩnh vực trồng trọt, tư duy SX nhỏ lẻ, đơn độc của người nông dân từng bước chuyển sang SX cộng đồng tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ. Nhiều cánh đồng được gieo cấy cùng giống, cùng thời vụ, cùng áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, từ đó nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích canh tác.
Mặc dù vậy, lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo vẫn ước vọng cao hơn và cho rằng, số lượng và quy mô các vùng SX tập trung chưa tương xứng với tiềm năng của các xã. Hiệu quả đạt được tại nhiều vùng chưa cao và chưa bền vững. Hơn nữa, việc liên doanh, liên kết tổ chức SX tại một số vùng chưa chặt chẽ, thiếu doanh nghiệp tham gia đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.
Vụ mùa 2014, Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Sở NN-PTNT, UBND huyện Vĩnh Bảo, UBND xã Cộng Hiền xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn giống lúa chất lượng ĐS1” với tổng diện tích 50 ha theo phương châm phối hợp liên kết “4 nhà”.
Đồng ruộng bằng phẳng, quy mô tập trung; giao thông thuận lợi; trình độ thâm canh của các hộ dân cao; chính quyền địa phương nhiệt tình chỉ đạo sát sao công việc, cam kết thực hiện đúng yêu cầu mô hình... Đó là những chỉ dấu quan trọng để tạo nên một cánh đồng lớn.
Cùng thăm lúa trước khi tổng kết mô hình, lão nông Hà Văn Khải, thôn 6, xã Cộng Hiền chia sẻ: “Đây chính là cánh đồng thỏa ước mong của nông dân chúng tôi”. |
Nhưng, muốn cánh đồng lớn đem lại thu nhập cao cho nông dân thì trước hết phải có giống cây trồng tốt. Tại mô hình này, 250 hộ dân tham gia mô hình đã được cấp 3.000 kg lúa giống ĐS1 phẩm cấp xác nhận. ĐS1 có dạng hình cây gọn, thân to khỏe, đẻ nhánh khá; kháng vừa bạc lá, đạo ôn và khô vằn; ít nhiễm rầy nâu; năng suất trung bình từ 6 - 6,5 tấn/ha/vụ; hàm lượng protein trong hạt gạo cao (> 10,5%); chất lượng cơm mềm, trắng bóng và ngon. ĐS1 không chỉ đẹp về mã mà giá trị cũng cao. Thời điểm hiện tại 1 kg lúa thuần SX đại trà chỉ bán được 5.500 đ, nhưng ĐS1 có giá 7.000 đ.
Hiệu quả
Theo ông Đoàn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Cộng Hiền, ngay từ khâu chuẩn bị xây dựng mô hình, công tác tuyên truyền vận động về ý nghĩa của việc xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” thông qua các buổi họp dân tại các thôn đội SX được chú trọng. Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu đều được công khai. Nông dân tham gia đã thống nhất mức thu phí của tổ dịch vụ làm đất, gieo cấy bằng máy và thu hoạch nhằm tạo sự đồng thuận cao, tạo khí thế sôi nổi, tinh thần tự nguyện.
“Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã thỏa mãn các tiêu chí như diện tích tập trung; nông dân nhiệt tình, tự nguyện tham gia; có hình thức kinh tế hợp tác dựa trên nền tảng của liên kết “4 nhà”. Đó là kết quả rất đáng mừng”, ông Lê Quốc Thanh, GĐ Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông. |
Trong quá trình SX, nông dân đã áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế, nên đã giảm được chi phí đầu vào, công lao động, nâng cao năng suất, giá thành vượt trội so với SX đại trà nên làm tăng đáng kể lợi nhuận trên một đơn vị diện tích.
Xét về hiệu quả kinh tế, ông Phạm văn Dân, PGĐ Trung tâm Chuyển giao Công nghệ & khuyến nông cho biết: “Vụ mùa năm nay, mô hình SX theo CĐML gieo cấy giống ĐS1, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở xã Cộng Hiền có thể cho lãi 31,3 triệu đ/ha, cao hơn SX giống lúa đại trà 12,5 triệu đ/ha do đẩy mạnh cơ giới hóa, năng suất và giá bán đều cao hơn.
Điều quan trọng nhất là Cty TNHH Đầu tư & phát triển công nghệ An Đình cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân với giá ưu đãi. Do đó, hiệu quả bền của mô hình là rất cao”.
Theo ông Dân, để mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” thành công cần có sự quan tâm lãnh đạo, quyết tâm chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành bằng chủ trương, kế hoạch, tuyên truyền, vận động nông dân gắn với cơ chế chính sách đồng bộ, kịp thời hỗ trợ. Quy hoạch đồng ruộng thành vùng SX tập trung.
Hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được xây dựng đồng bộ để đưa cơ giới vào các khâu SX. Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân - HTXNN - doanh nghiệp - nhà nước trong chuỗi SX khép kín; trong đó vai trò của HTXNN là đứng ra làm dịch vụ (làm đất, giống, ngâm ủ, cấy máy, phun thuốc cỏ, gặt đập...).
MINH PHÚC
Theo: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã