Không có gà Trung Quốc
Hà Vỹ được coi là chợ gia cầm đầu mối lớn nhất miền Bắc, hoạt động 24/24 giờ. Theo ông Lê Xuân Viết - Trưởng Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 – 50 tấn gia cầm từ hầu khắp các tỉnh, thành phía Bắc; Bắc Trung bộ (Nghệ An, Thanh Hóa) và phía Nam (TP.HCM, Long An, Cần Thơ…) chuyển về với số lượng lên tới hàng chục ngàn con.
Khu chợ này có tổng số 162 ki-ốt gia cầm và thủy cầm các loại. Đây từng là điểm nóng buôn bán gà nhập lậu, gà thải loại kém chất lượng khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, ông Viết khẳng định thời điểm này không có gian hàng nào bán gà Trung Quốc và “nếu anh mua được mươi con gà Trung Quốc từ khu chợ này thì tôi sẵn sàng biếu anh thêm 10 triệu đồng/con”.
Gà đồi Yên Thế bán số lượng lớn tại chợ Hà Vỹ
Trước thông tin dịch CGC bùng phát, ngày 12/2, UBND huyện Thường Tín đã lập kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm tại chợ Hà Vỹ. 2 cán bộ thú y, 1 cán bộ quản lý thị trường và 1 đồng chí công an được tăng cường để phối hợp hỗ trợ hoạt động của chốt kiểm dịch liên ngành Hà Vỹ, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại chợ.
Theo thiết kế, chợ Hà Vỹ có 6 cửa ra vào nhưng chỉ có 2 chốt kiểm dịch. Với số lượng gia cầm ra vào quá lớn, lực lượng liên ngành thú y, quản lý thị trường không thể kiểm soát nổi.
Trước thực trạng đó, tháng 2/2013, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo đóng 2 cửa chính của chợ. Xe chở gia cầm chỉ được phép đi lại tại hai cửa bên (có lập chốt kiểm dịch 24/24 giờ). 16 mắt camera đã được lắp đặt tại các cửa ra vào và vị trí quan trọng để có thể giám sát toàn cảnh hoạt động mua bán gia cầm, thủy cầm tại chợ.
Theo ông Nguyễn Lê Ngà, cán bộ thú y phụ trách chốt kiểm dịch tại chợ Hà Vỹ (thuộc chốt kiểm dịch liên ngành số 05 TP Hà Nội): "Mọi xe chở gia cầm muốn vào chợ Hà Vỹ phải có đủ thủ tục giấy tờ theo đúng quy định như: giấy kiểm kịch động vật, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy chứng nhận phòng bệnh của chính quyền sở tại.
Đối với những trường hợp có đủ giấy tờ thủ tục pháp lý, nếu chúng tôi phát hiện gà không khỏe mạnh, có dấu hiệu mắc bệnh thì phải chuyển vào khu chuồng cách ly rộng 100 m2 để theo dõi, giám sát, nếu không có vấn đề gì thì chủ hàng mới được phép bán tại chợ".
Gà trong nước rẻ, buôn gà lậu làm gì
Trong công tác phòng chống dịch bệnh tại chợ Hà Vỹ, thông thường lực lượng thú y chỉ tổ chức phun thuốc khử trùng 1 lần/tuần. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch CGC lây lan, số lần phun thuốc khử trùng được tăng lên 2 lần/tuần.
Mỗi cửa ra vào chợ đều có một hố nước pha thuốc khử trùng đủ rộng để lọt ít nhất 1 vòng bánh xe chở hàng, ngăn không cho mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trong. Ngày 15 âm lịch hàng tháng, chợ Hà Vỹ đóng cửa định kỳ để lực lượng thú y phối hợp với Ban Quản lý chợ tổ chức tổng vệ sinh và phun thuốc khử trùng.
Chợ Hà Vỹ được một số tổ chức quốc tế quan tâm (trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi con người Hoa Kỳ Kathleen Sebelius cùng đoàn công tác khảo sát công tác phòng chống dịch tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, huyện Thường Tín tháng 6/2013
Theo ông Lê Xuân Viết, ngày nào chợ gia cầm Hà Vỹ cũng có gà chết, nhưng hầu hết là do chết sinh học trong quá trình vận chuyển đường dài. Nếu số lượng gia cầm chết từ 50 con trở lên, chúng tôi sẽ vận hành máy để tiêu hủy ngay tại chợ. Nếu số lượng gia cầm chết ít hơn, chúng tôi sẽ phối kết hợp với các cấp chính quyền tổ chức tiêu hủy bằng dầu hoặc chôn tại bãi tiêu hủy của địa phương.
Từ năm 2013 đến nay, lực lượng thú y chưa phát hiện trường hợp gia cầm dương tính với virus H5N1 và H7N9. Nhưng hiện tại, có 4 cơ quan cùng theo dõi, giám sát sự lưu hành của virus H5N1 và H7N9 tại chợ Hà Vỹ là Viện Thú y, Cục Thú y, Chi cục Thú y TP Hà Nội và Ban quản lý Dự án phòng chống dịch CGC, cúm ở người và dự án phòng đại dịch cúm ở Việt Nam (gọi tắt là VAHIP).
Ngoài kiểm tra định kỳ, những đơn vị này thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất để ghi nhận tình hình một cách khách quan.
Theo ghi nhận của PV NNVN vào sáng ngày 19/2, hoạt động mua bán gia cầm, thủy cầm tại chợ Hà Vỹ không nhộn nhịp như thời điểm trước Tết Nguyên đán. Trong tổng số 162 ki-ốt tại chợ, chỉ có khoảng 50 ki-ốt mở cửa, còn lại, toàn bộ đều khóa cửa kín như bưng, bên trong xếp lổng chổng bu gà rỗng tuếch. Tại khu vực bán gà, gà đồi Yên Thế vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo, tiếp đến là gà công nghiệp, gà tam hoàng và gà Ai Cập… Bóng dáng của gà trọc Trung Quốc không thấy có.
Lý giải về điều này, bà Hương, chủ ki-ốt số 1 chuyên mua bán gà đồi Yên Thế cho biết: “Thời điểm trước và sau Tết, giá gà rẻ quá. Lượng gà tồn trong dân không thể đếm xuể mà người mua thì không có. Hiện cửa hàng chúng tôi bán 45.000 – 50.000 đồng/kg gà đồi Yên Thế. Với mức giá bèo bọt ấy, khách hàng chẳng dại gì mua gà lậu Trung Quốc vừa xấu mã vừa không ngon”.
Theo bà chủ ki-ốt số 1, những năm trước gà lậu Trung Quốc tràn về chợ Hà Vỹ rất nhiều, khiến những người kinh doanh gà trong nước như bà điêu đứng, nhưng thời gian gần đây không thấy xuất hiện, nếu có thì cũng khó cạnh tranh nổi gà nội địa, vì thế ít người đi buôn.
Ông Nguyễn Lê Ngà: "Theo quy định của Bộ NN-PTNT, đối với những trường hợp vận chuyển từ 50 con gia cầm, thủy cầm trở lên, chủ hàng mới phải xuất trình giấy kiểm dịch, còn dưới 50 con thì không cần kiểm dịch nên rất khó để xử lý triệt để”. Có lẽ, đó là lý do lý giải vì sao vẫn có hiện tượng một số xe máy chở gà, ngan, vịt… bằng xe máy với số lượng vài chục con/chuyến vẫn lọt qua cổng chợ Hà Vỹ chỉ với một vài thủ tục đơn giản và nhanh chóng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã