Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Hiện trên toàn quốc đang tồn tại 2 mô hình quản lý điện nông thôn đó là Mô hình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn cho 6.660 xã và một phần nhỏ là mô hình Hợp tác xã điện năng; các công ty cổ phần quản lý và bán lẻ điện tại 2.150 xã.
Điều đáng nói là lưới điện nông thôn hiện đang nằm trong tình trạng xuống cấp, nhiều nơi xuống cấp rất trầm trọng, không an toàn trong vận hành và cần được cải tạo mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông thôn. Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy cần khoảng trên 30.000 tỷ đồng cho đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn giai đoạn 2016-2020 .
Số tiền này chủ yếu dành cho cải tạo nâng cấp lưới điện (trong giai đoạn 2015-2020, cả nước có khoảng 4.400 xã còn lại có lưới điện hạ áp không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và cần được cải tạo, nâng cấp); Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2020, mục tiêu Chính phủ đặt ra là cơ bản cấp điện cho các thôn, xã, hộ dân còn chưa có điện.
Trong khi đó do tiêu thụ điện tại các vùng nông thôn còn ít, doanh thu bán điện thấp trong khi khối lượng, chi phí vốn đầu tư quá lớn, việc thu hồi vốn gặp khó khăn nên công tác đầu tư, tái đầu tư bị hạn chế.
Để giải quyết những tồn tại trên, ông Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đang làm việc với các tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh châu Âu (EU) để xúc tiến, kêu gọi nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình điện nông thôn giai đoạn 2016-2020; phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát tình hình hoạt động của các Hợp tác xã điện trên từng địa bàn để có tổng kết, phân loại đề xuất biện pháp tổ chức quản lý Hợp tác xã điện phù hợp theo từng vùng, miền, quy mô.