Mấy ngày qua, nhiều người quan tâm theo dõi câu chuyện các ông nguyên bí thư, chủ tịch UBND huyện Phước Long, Bạc Liêu cho huyện vay “làm nông thôn mới (NTM)”, kiếm lãi hàng trăm triệu đồng. Hậu quả là huyện điểm xây dựng NTM này trở thành “chúa chổm”.
Tình trạng các địa phương “chạy theo thành tích”, “vung tay quá trán” tiền ngân sách, huy động quá mức sức dân đầu tư công trình để “sớm về đích NTM” không còn là trường hợp cá biệt của một tỉnh, một huyện.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra, báo chí phản ánh ở nhiều nơi, điều đó đang đặt ra yêu cầu phải “làm mới NTM” từ tư duy, cách làm nghiêm túc và thực chất.
Xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội chọn để tập trung thực hiện cho giai đoạn 5 năm tới (2016 - 2020) thay cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia dàn trải trên nhiều lĩnh vực trước đây.
Không thể phủ nhận kết quả xây dựng các năm qua đã tạo ra những “điểm sáng”, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa, gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa, giáo dục, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, tạo ra không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân.
Song, đó mới là kết quả bước đầu, còn nhiều “điểm nghẽn” cũ và thách thức mới cần nỗ lực mới để vượt qua.
Công tác quy hoạch, lập kế hoạch phát triển xã nông thôn nhiều nơi còn nặng tính hình thức, làm đại trà, “nhân bản”; bị rào cản “ranh giới hành chính xã, huyện, tỉnh” làm mất không gian kinh tế vùng, thiếu tính kết nối giữa nông thôn và đô thị, dẫn đến không gian nông thôn truyền thống đang bị phá vỡ, mất đi tính đặc thù với các giá trị bản sắc văn hóa, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường gia tăng.
Trong đó có việc cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo nóng vội, chạy theo thành tích, làm sai.
Xây dựng NTM phải thực sự là “cuộc cách mạng ở nông thôn”. Việc đạt tiêu chí là yêu cầu bắt buộc để được công nhận theo “chuẩn quốc gia”. Nhưng trên hết vẫn là đời sống của người dân, môi trường nông thôn văn minh, đáng sống và phát triển bền vững.
Phải khắc phục cho được những cách làm không thực tế, hình thức, xu thế phong trào hóa trong xây dựng NTM.
Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho sát hợp với thực tế, nhất là những thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước tác động của TPP, hội nhập AEC và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.
Sắp tới, yêu cầu xây dựng NTM sẽ khó hơn nhiều giai đoạn “khởi động”, cần tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” với cách làm thực chất trong phát triển kinh tế, tạo ra “cốt vật chất” và “hồn tinh thần” cho nông thôn chứ không chỉ là việc “tiêu tiền” bằng các dự án đầu tư hạ tầng nông thôn như vừa qua.
Phải kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm từ trong nội bộ cán bộ, đảng viên để xây dựng lòng tin trong dân.
Đích đến của NTM vẫn còn ở phía trước nên cần phải "nghĩ mới, làm mới” để thật sự xây dựng được môi trường nông thôn đáng sống, mọi người dân hài lòng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã