Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển kinh tế trang trại trong thời gian qua và vị thế của trang trại đối với quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn?
- Phát triển kinh tế trang trại đang là một trong những hướng đi tích cực trong quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn. Trong những năm gần đây, kinh tế trang trại ngày càng khẳng định vị thế của mình. Theo số liệu Tổng điều tra Nông thôn - nông nghiệp - thủy sản năm 2011, cả nước có 20.065 trang trại (trang trại trồng trọt chiếm 43%; chăn nuôi chiếm 30,9%; thủy sản chiếm 22,1%; tổng hợp chiếm 3,7% và lâm nghiệp chiếm 0,3%). Hiệu quả sử dụng đất, lao động, máy móc thiết bị của trang trại đã thực sự vượt trội so với kinh tế hộ.
Phát triển kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; thu hút và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại chỗ, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới.
Thông qua phát triển kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn.
Chúng ta có thể hình dung lộ trình phát triển: Kinh tế hộ phát triển, hình thành nhiều trang trại lớn, từ đó sẽ hình thành các công ty nông nghiệp… Đương nhiên phải có các chính sách và cơ chế thích hợp tác động tích cực để thúc đẩy quá trình này.
Ông Tăng Minh Lộc – Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác & phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) |
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất trang trại đang có những bước tiến nhất định (tạo ra trên 39 nghìn tỷ đồng giá trị thu từ sản xuất nông lâm thủy sản – 2011; giải quyết 95 nghìn lao động mỗi năm…). Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay trang trại vẫn còn nhiều khó khăn. Từ góc độ nhà quản lý, ông thấy quá trình phát triển kinh tế trang trại đang gặp những khó khăn lớn nào?
- Chúng ta chưa có hệ thống chính sách căn cơ để thúc đẩy phát triển trang trại. Do đó, tình trạng chung là: Hầu hết trang trại phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch; năng lực quản lý, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế; các vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng, đất đai, tín dụng, dịch bệnh, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; xúc tiến thương mại; môi trường... còn nhiều bất cập.
Hiện nay, nhiều chủ trang trại tỏ ra thờ ơ với việc làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại vì họ cho rằng giấy này không có nhiều giá trị hỗ trợ sản xuất, không thể cầm cố, thế chấp vay vốn ngân hàng… Theo ông, nên điều chỉnh như thế nào để giấy này đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của các chủ trang trại?
- Đúng là từ 2011 trở về trước, việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại ở nhiều địa phương mang tính hình thức. Có nguyên do là tiêu chí công nhận trang trại dựa vào thu nhập nhỏ quá (40 triệu đồng) do đó có quá nhiều trang trại (137.000 trang trại). Chúng ta chưa có chính sách đáng kể để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển trang trại do vậy không hấp dẫn họ đăng ký và làm giấy chứng nhận.
Ngày 13.4.2011 Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí trang trại (mới) và thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại. Giấy chứng nhận kinh tế trang trại sẽ là một trong những điều kiện cần giúp chủ trang trại có thể vay vốn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn (quy định chủ trang trại kinh doanh nông nghiệp có thể vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa 500 triệu đồng).
Tới đây, Bộ NNPTNT đang nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại áp dụng đối với những trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tôi tin chắc thời gian tới Giấy chứng nhận kinh tế trang trại sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các chủ trang trại. Tất nhiên, đó là căn cứ để chủ trang trại được hưởng chính sách ưu đãi, chứ nó không có giá trị thế chấp vay vốn ngân hàng. Giấy chứng nhận trang trại không hướng tới giá trị này.
Về vấn đề vị trí pháp lý cho trang trại, ông Lê Duy Minh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại nông nghiệp VN cho rằng, phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng đắn, để hỗ trợ các hộ làm trang trại vay vốn, phát triển sản xuất, cần phải có Luật Trang trại, công nhận tư cách pháp nhân cho trang trại, cần đăng kí kinh doanh cho trang trại… Quan điểm của ông về những vấn đề trên như thế nào?
- Hiện nay khung pháp lý về kinh tế trang trại cần phải được nghiên cứu. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng không nhất thiết phải xây dựng Luật Trang trại. Chúng ta chỉ cần xây dựng chính sách phát triển kinh tế trang trại để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho phát triển loại hình này.
Từ kinh nghiệm của các nước và thực tế phát triển của mô hình trang trại trong thời gian qua cho thấy, ở nước ta hiện nay và trong tương lai loại hình phổ biến và chủ yếu nhất vẫn là trang trại gia đình của hộ nông dân. Chương IV về pháp nhân của Bộ luật Dân sự quy định 6 loại pháp nhân, trong đó không có loại hình kinh tế trang trại (tức nó vẫn là loại hình kinh tế hộ) - cũng là khẳng định đặc thù của loại hình kinh tế này.
Nếu trang trại có đầu tư lớn, hoạt động kinh doanh rộng, có khối lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ lớn; có lao động làm thuê nhiều, cần bộ máy quản lý; cần có tư cách pháp nhân và con dấu để thuận lợi trong giao dịch thì nên đăng ký thành lập doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Ở nước ta đã có hàng nghìn trang trại lớn lên, phát triển theo hướng này. Việc chuyển đổi từ trang trại đủ điều kiện sang loại hình doanh nghiệp nông nghiệp cũng rất thuận lợi.
Vậy trong năm 2013, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ có đề xuất gì với Bộ trưởng Bộ NNPTNT để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của trang trại?
- Một trong những nhiệm vụ lớn năm 2013 của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về kinh tế trang trại là nghiên cứu đề xuất với Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách phát triển kinh tế trang trại. Đây là nhiệm vụ đã được Cục đăng ký và đưa vào kế hoạch công tác năm 2013.
Dự kiến một số chính sách đối với kinh tế trang trại đó là hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch phát triển kinh tế trang trại; hỗ trợ một phần chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng khu trang trại tập trung (đường trục giao thông, điện, nước…); hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý môi trường (với trang trại chăn nuôi, thủy sản...); miễn tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với chủ trang trại trong vòng 5 năm sau khi được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại; đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý cho chủ trang trại và đào tạo nghề nâng cao kỹ thuật sản xuất cho lao động trong trang trại; ban hành văn bản điều chỉnh mối quan hệ chủ trang trại và lao động làm thuê; cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm...
Chúng tôi hy vọng sau khi nghiên cứu sẽ đề xuất được một hệ thống chính sách và các cơ chế cần để góp phần thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển mạnh hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã