Rào cản từ Ethoxyquin
Theo VASEP, từ ngày 18/5, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã quyết định kiểm tra 30% các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam đối với chất Ethoxyquin với mức giới hạn cho phép là 0,01ppm (10ppb). Và trong tháng 8/2012, thị trường Nhật Bản đã phát hiện thêm 2 lô tôm xuất xứ từ Việt Nam nhiễm Ethoxyquin với hàm lượng từ 0,02 - 0,05 ppm. Do đó, ngày 31/8, Nhật Bản đã tái áp dụng việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin ở mức 0,01 ppm đối với 100% lô tôm xuất khẩu từ Việt Nam.
Sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật 8 tháng đầu năm 2012 đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nguy cơ mất thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam là rất lớn. Đồng thời, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đang hoàn toàn ở thế bị động và không dám xuất hàng sang thị trường Nhật Bản.
Tìm cách tháo gỡ
Trao đổi tại buổi làm việc, bà Trần Bích Nga, Phó cục trưởng NAFIQAD cho rằng, trước khi tiếp tục có đoàn làm việc với phía Nhật, cần phải triển khai các biện pháp kiểm soát Ethoxyquin trong nước nhằm có cơ sở khi đàm phán. Đồng thời, cần phải kiểm soát và minh bạch thông tin đối với các loại nguyên liệu lẫn thức ăn chăn nuôi bằng cách quy định bắt buộc ghi nhãn đối với toàn bộ sản phẩm lưu hành tại Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe Tổng thư kýVASEP kiến nghị, bên cạnh việc khuyến cáo cho người chăn nuôi sử dụng thức ăn có hàm lượng Ethoxyquin thấp, áp dụng quy trình nuôi nhằm kiểm soát dư lượng Ethoxyquin như một số doanh nghiệp làm, về lâu dài cần phải quy định rõ hàm lượng cho phép của Ethoxyquin đối với thức ăn chăn nuôi cho tôm, mà theo đề xuất của VASEP là 0,5 ppm.
Thống nhất với ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, cùng với việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư 66, Tổng cục Thủy sản phải tiếp tục thực hiện việc thí nghiệm và nghiên cứu nhằm xác định hàm lượng Ethoxyquin tối đa cho phép trên thức ăn chăn nuôi đối với tôm nuôi cho phù hợp nhằm kiểm soát dư lượng của tôm thành phẩm. Và yêu cầu Tổng cục Thủy sản rà soát lại toàn bộ danh mục thức ăn cho tôm trên thị trường, xác định loại nào thức ăn nào sử dụng Ethoxyquin, loại nào không sử dụng, đồng thời truy xuất được nguồn gốc tôm thành phẩm có dư lượng Ethoxyquin vượt ngưỡng cho phép để xác định “danh tính” thức ăn đã sử dụng. Theo đó, Tổng cục cũng sớm hoàn thành công tác này và có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho nông dân sử dụng thức ăn phù hợp. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản trực tiếp nghiên cứu và sớm đưa ra hoạt chất thay thế chất Ethoxyquin tối ưu nhất trong tháng 9 này và đến tháng 10 sẽ nghiên cứu và đưa ra ngưỡng Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản phù hợp với thông lệ quốc tế mà vẫn đảm bảo được yêu cầu trong nước.
Ông Bùi Đức Quý, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản cho biết, hiện, đã tìm ra 2 chất có chức năng tương tự Ethoxyquin là BHA (Butylated Hydroxyl Anisole) và BHT (Butylated Hydroxyl Toluence) để thay thế. Tuy nhiên, do giá đắt nên giá thành thức ăn tăng cao, việc có thay thế được ở Việt Nam hay không cần phải nghiên cứu thêm mới đưa ra kết luận cụ thể được. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã