Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, qua hơn 20 năm tiếp nhận nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tổng lượng vốn huy động trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vào khoảng hơn 6 tỷ USD, chiếm khoảng 7-8% tổng ODA cả nước. Việc thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp rất quan trọng trong thời gian tới, khi nhu cầu hiện đại hoá ngành này ngày càng tăng. Ngược lại, ngành này lại thường khó thu hút vốn vì rủi ro cao và tỷ lệ sinh lời thấp.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN & PTNT), trong tổng số vốn ODA cho ngành nông nghiệp thì thủy lợi chiếm tỷ lệ cao nhất với 45%, tiếp theo là nông nghiệp (21%), phát triển nông thôn (15%), lâm nghiệp (15%) và ít nhất là thủy sản chỉ với 4%. Hiện nay, Việt Nam có 51 nhà tài trợ song phương và đa phương, trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là nhà tài trợ có vốn lớn nhất chiếm 26%, tiếp đó là Ngân hàng Thế giới 25%. ODA đã dần trở thành một nguồn vốn lớn góp phần đáng kể vào việc xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam, kể từ thời kỳ đổi mới. Đây không chỉ là một nguồn vốn lớn trực tiếp trong quá trình thực hiện và hoàn thành các chương trình, dự án, mà còn có tác dụng “kéo” lượng vốn từ các nguồn khác đầu tư theo, hoặc đầu tư tiếp sang lĩnh vực khác theo sự lan tỏa của nguồn ODA khi thực hiện.
Một số hộ tư nhân được vay vốn dự án tài chính nông thôn do WB tài trợ đã có mô hình phát triển tốt. |
Bên cạnh những tác động tích cực, Việt Nam cũng mất một thời gian dài để có được nhận thức đúng đắn về ODA, rằng vay nguồn vốn này, kể cả không hoàn lại cũng không phải là thứ “cho không”. ODA là nguồn vốn quốc tế tài trợ cho Chính phủ, phải được nhập vào ngân sách Nhà nước và Chính phủ sử dụng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Do ảnh hưởng của cơ chế quản lý cũ, nhiều người còn có tâm lý bao cấp, coi ODA là thứ cho không, Chính phủ vay, Chính phủ phải trả nợ nên chưa nhận thức đúng trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Do đó, việc sử dụng vốn tại nhiều dự án còn kém hiệu quả, thậm chí có cả sai phạm như vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ PMU 18...
Các dự án sử dụng ODA nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng thường bị kéo dài 2-3 năm, có dự án trên 3 năm, do trình tự thủ tục, dẫn đến nhiều thông số dự án, chỉ tiêu tính toán đến khi thực hiện đã không còn phù hợp. Một số dự án vốn đối ứng của Việt Nam cấp hoặc đóng góp chưa kịp thời, đặc biệt ở cấp tỉnh và người dân tham gia dự án.
Trong tương lai, với bối cảnh nguồn vốn kém ưu đãi sẽ tăng dần, thì cần có định hướng rõ và mang tính dài hạn các lĩnh vực cần thu hút hỗ trợ để đảm bảo sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn.
Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng, các chương trình, dự án trong những năm tới cần định hướng rõ hơn để có thể hấp dẫn tài trợ, ngoài chủ đề xóa đói giảm nghèo không còn nhiều sự quan tâm như trước đây, chẳng hạn biến đổi khí hậu và các giải pháp giảm thiểu, thích ứng trong cả nền kinh tế và trong ngành nông nghiệp. Ngoài ra, quản lý thiên tai dịch bệnh, vấn đề an toàn lương thực, thực phẩm biến đổi gien, và gần đây là tập trung vào nông thôn mới cũng sẽ là chủ đề được quan tâm.
Trong thời gian tới, để vay nguồn vốn lãi suất kém ưu đãi hơn, Việt Nam sẽ phải đề ra các tiêu chí đánh giá, bình chọn và phê duyệt danh mục đầu tư ngặt nghèo hơn. Đó là lý do cần nghiên cứu và chỉ ra những lĩnh vực nào, vùng nào và đối tượng doanh nghiệp nào hội đủ điều kiện để tiếp nhận dự án.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã