Công khai, minh bạch
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh có 18 huyện thì đã có 2 huyện và 72/274 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 35,29%. Qua thống kê, nguồn lực mà MTTQ tỉnh huy động được trong nhân dân đạt 526/12.853 tỷ, đạt 4,4%. Mặc dù tỷ lệ này không cao nhưng vừa sức dân, phù hợp với điều kiện của dân, góp phần an dân khi thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để đạt được kết quả trên, MTTQ tỉnh đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia cho phù hợp với tình hình của tỉnh. Trong đó, xã đạt chuẩn nông thôn mới ngoài đạt 19 tiêu chí của Trung ương cần phải có thêm một tiêu chí mềm đó là tiêu chí KDC nông thôn mới mới mẫu. Tiêu chí này mang tính vùng miền và có phần cao hơn chỉ tiêu mà Trung ương đề ra.
Theo chỉ đạo của Trung ương, chấm điểm nông thôn mới có 3 bước. Một là cấp xã tự đánh giá. Hai là cấp huyện kiểm tra. Ba là cấp tỉnh thẩm định. Chúng tôi cũng thực hiện theo quy định của Chính phủ là xã tự đánh giá đạt. Huyện về kiểm tra đạt, khi đó MTTQ mới vào cuộc, vì Mặt trận là một kênh độc lập, giám sát thực hiện chính quyền và phản ánh nguyện vọng của người dân.
Theo ông Long, có 2 loại kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới. Kinh phí thứ nhất là chi tiền thông qua kênh MTTQ tỉnh xuống hệ thống MTTQ các xã. Kinh phí thứ 2 là tổ chức thực hiện lấy ý kiến với quy mô mỗi xã 20 triệu đồng. Qua quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi mời tất cả các ngành liên quan trong các lĩnh vực hoạt động nông thôn mới, cụ thể hóa bảng hỏi bằng những nội dung dễ hiểu để người dân cùng nhìn nhận, đánh giá được. Khi thực hiện việc này, Mặt trận đứng ra tổ chức chung và phân công trách nhiệm cho các tổ chức thành viên.
Qua quá trình thẩm duyệt 11 xã nông thôn mới, đã loại được một xã, đó là xã Đại Quang, huyện Đại Lộc khi xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ đã vi phạm dân chủ trong nhân dân. Tức là không lấy ý kiến nhân dân, không tổ chức công khai, minh bạch trong đấu thầu, cải tạo và nâng cấp không đảm bảo vấn đề tâm linh…. khiến người dân phản đối. Trước thực trạng đó, MTTQ tỉnh đã đưa xã đó ra khỏi danh sách xã nông thôn mới. 10 xã còn lại người dân hài lòng rất cao.
Đưa ra lộ trình cụ thể
Bà Bàn Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2016 và năm 2017, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản liên quan để triển khai xây dựng nông thôn mới. Việc Trung ương ban hành các văn bản này chính là tiền đề và cơ sở để Mặt trận các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.
Bà Bàn Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lào Cai.
Trong năm 2017, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 69 và Chỉ thị số 10 để triển khai thực hiện. Để thực hiện việc này, MTTQ đã tổ chức họp với các tổ chức đoàn thể, thống nhất các nội dung đồng thời phân công trách nhiệm cho từng bên để tránh chồng chéo. Với cách làm như vậy nên khi Lào Cai xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự đồng tình của các tổ chức thành viên. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí cho CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Theo đó, mỗi KDC khi thực hiện CVĐ này được 6 triệu đồng, cấp xã 8 triệu và cấp huyện được 17 triệu để chi phí cho các hoạt động.
Mặc dù là tỉnh miền núi với xuất phát điểm thấp, còn nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới là Bảo Thắng. Bình quân mỗi xã đạt 14 tiêu chí nông thôn mới và không có xã dưới 5 tiêu chí.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Lào Cai Lựa chọn 5 nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, bao gồm: phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng đường giao thông nông thôn, duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn sau đầu tư; xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc; cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn và giữ gìn an ninh trật tự nông thôn…
Thành công nhờ sự đồng thuận
Bà Đoàn Thị Nghiệp - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến tháng 9-2017, toàn tỉnh có 32 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 24 xã đạt từ 13 đến 15 tiêu chí. Thành phố Sa Đéc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thành công trên có được là do sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua nhiều kênh. Đối với các tiêu chí khó, chúng tôi tổ chức xây dựng ngay từ hộ gia đình để xác định đâu là tiêu chí của người dân, phần nào là phần của Nhà nước để làm điểm rồi mới nhân ra diện rộng. Thông qua nhiều kênh, chúng tôi đã lồng ghép nhiều chương trình, đề án, mục tiêu quốc gia để trên cơ sở đó tỉnh thực hiện.
Bà Đoàn Thị Nghiệp - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Đồng Tháp.
Mặc dù Đồng Tháp là tỉnh nghèo, nguồn lực vận động rất khó nhưng những năm gần đây nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND cùng sự vào cuộc tích cực của hệ thống Mặt trận nên nguồn lực vận động được để xây dựng nông thôn mới so với những năm trước lớn hơn rất nhiều. Năm 2017, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức đêm “Vầng trăng cổ nhạc” để huy động sự tham gia của cả cộng đồng, đồng thời tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư có Thủ tướng Chính phủ về dự. Riêng công tác an sinh xã hội, toàn tỉnh cũng đã huy động được trên 500 tỷ đồng.
Tỉnh cũng xác định đâu là nguồn vốn của nhà nước, đâu là nguồn của nhân dân để vận động. Tính đến thời điểm này, các nguồn lực được huy động trong dân để đầu tư cho các chương trình nông thôn mới vẫn được MTTQ tỉnh giám sát hiệu quả, không có dấu hiệu sử dụng sai mục đích. Việc sử dụng các loại quỹ đúng mục đích, đúng đối tượng đã khơi nguồn vận động ủng hộ các chương trình nông thôn mới hiệu quả hơn.
Khi triển khai thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đồng Tháp chọn thành phố Sa Đéc là điểm xây dựng đô thị văn minh còn huyện Tháp Mười làm điểm nông thôn mới. Việc làm này có nghĩa là các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm đều được thực hiện từ xã, phường rồi đến xóm, ấp, KDC, có tổ chức hiệp thương xác định về mặt trách nhiệm, có sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng. Đây là điểm mấu chốt tạo nên thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Tuệ Phương/ Đại Đoàn kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã