Gia đình là một thiết chế đặc biệt trong xã hội. Vai trò đặc trưng và ý nghĩa quan trọng nhất của gia đình là duy trì nòi giống và nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người suốt cuộc đời. Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào có tốt thì xã hội mới phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt”.
Xác định vai trò quan trọng đặc biệt của gia đình trong hình thành, giáo dục, xây dựng và phát triển nhân cách con người, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp góp phần xây dựng gia đình Việt Nam vừa mang những nét đặc trưng của gia đình truyền thống Việt, vừa không ngừng bổ sung, hoàn thiện những giá trị đạo đức mới phù hợp với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế. Nhìn một cách tổng thể, phần lớn gia đình Việt Nam hiện nay có cuộc sống vật chất no đủ hơn, đời sống văn hóa tinh thần phong phú hơn. Kinh tế hộ gia đình được chú trọng phát triển. Hạnh phúc gia đình được quan tâm chăm lo ngày càng tốt hơn. Các gia đình Việt không chỉ đóng góp sức người, sức của phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của ông cha ta từ hàng nghìn đời nay.
Ảnh minh họa: Internet. |
Tuy nhiên, trước những tác động mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Việt đang có nhiều thay đổi sâu sắc, nhiều giá trị gia phong truyền thống tốt đẹp bị mai một. Xu hướng rõ nét nhất là gia đình ở cả khu vực thành thị và nông thôn đang thay đổi mô hình từ “tam đại, tứ đại đồng đường” sang mô hình gia đình hạt nhân. Điều này dẫn tới thực trạng là giảm thiểu các giá trị truyền thống và tăng thêm trạng thái lỏng lẻo, thiếu gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. “Cái tôi” cá nhân của thế hệ sau càng có chiều hướng “lên ngôi”, nếu không được giáo dục, uốn nắn kịp thời, sẽ trở thành “cái tôi” ích kỷ, lệch lạc, thiếu thiết tha gắn bó với thế hệ cha anh, với cộng đồng và xã hội. Một số vấn đề tiêu cực của gia đình trong xã hội hiện đại đã tác động không tốt đến việc xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội lành mạnh, trong đó đáng báo động nhất là tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tại Việt Nam, 5 năm trở lại đây (2011-2016), số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm và mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, mua bán người... cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy hại, tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình và gần đây xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gây lo lắng, bức xúc trong dư luận. Theo một nghiên cứu ở TP Hồ Chí Minh, trong khoảng 3 đôi kết hôn thì có 1 đôi ly hôn. Thống kê ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, mỗi năm ở nước ta có khoảng 70.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Những con số này cho thấy, thực trạng gia đình Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết để góp phần xây dựng, phát triển nền tảng xã hội lành mạnh.
Để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trước hết, cần tiếp tục chăm lo, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, bảo đảm cho mỗi gia đình có đủ điều kiện vật chất để nuôi dưỡng và cho con cái được học hành đến nơi đến chốn, được chăm sóc sức khỏe cả thể chất và tinh thần. Trong đó, cần ưu tiên, tạo điều kiện để các gia đình khu vực nông thôn, miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có hơn 2,31 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,79% so với tổng số hộ dân cư trong cả nước) và hơn 1,24 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,27%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Như vậy, tính trung bình, cứ 100 hộ gia đình thì có tới 15 hộ nghèo và cận nghèo. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là phải thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo đa chiều, tạo cơ chế, chính sách và nhất là tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, gia đình nghèo không những được hưởng thụ các chính sách vay ưu đãi nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, mà còn có cơ hội được học tập, cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình; đồng thời được thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục, thông tin… Kinh nghiệm cho thấy, tạo cơ hội bình đẳng cho người nghèo, gia đình nghèo chính là “chìa khóa” giúp đối tượng này phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vượt khó vươn lên để có cuộc sống no đủ, ổn định.
Cùng với đó, cần tích cực chăm lo xây dựng văn hóa gia đình, bảo đảm gia đình thực sự là tổ ấm nuôi dưỡng, giáo dục, gắn kết các thành viên trong gia đình. Ông cha ta từng đúc kết: “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân” (mỗi gia đình làm điều nhân thì cả nước sẽ vươn tới điều nhân). Muốn xây dựng văn hóa gia đình, cần sớm nghiên cứu xây dựng, triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình để làm cơ sở cho các gia đình phấn đấu thực hiện. Đi đôi với việc thường xuyên xây dựng văn hóa gia đình, phải chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa xấu tác động vào gia đình, bảo đảm cho gia đình thực sự trở thành “bức tường thành” vững chắc có thể ngăn chặn, đẩy lùi mọi “vi-rút” văn hóa độc hại từ bên ngoài.
Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong đó, tập trung tuyên truyền về chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình; về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các gia đình, các cơ quan, những người thi hành công vụ liên quan đến gia đình để bảo đảm, thúc đẩy việc thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình. Trước mắt, cần thực hiện tốt Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở và sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng đối với công tác gia đình. Trước đây, chúng ta có cơ quan chuyên trách (cơ quan ngang bộ) chỉ đạo về công tác gia đình là Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Hiện nay, chỉ đạo công tác gia đình đã có nhiều cơ quan tham gia như: Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế); Vụ gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Cục Trẻ em, Văn phòng Ủy ban quốc gia về người cao tuổi (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)… Vì vậy, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đề án thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam.
Đảng ta khẳng định: Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2020. Vì vậy, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của gia đình cũng như triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung giải pháp nêu trên là thực hiện tốt quan điểm, mục tiêu của Đảng đã đề ra là: Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã