Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 10 tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 5,11 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2011. Dự báo năm 2012, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 6,2 tỷ USD. Trong số các ngành có giá trị xuất khẩu cao (trừ dầu khí), ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá ổn định ngay cả trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm đạt 285,5 triệu USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2011.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Hải Việt (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu).
Để có được những con số đó, ít ai biết rằng các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã phải xoay xở trong tình thế hết sức khó khăn. Tình hình bất ổn trên biển Đông gần đây, cộng với giá xăng dầu, chi phí cho chuyến ra khơi tăng là yếu tố tác động, làm hạn chế lượng tàu cá tham gia khai thác hải sản. Trong khi đó, thương lái Trung Quốc tăng cường thu gom hàng thủy sản ngay ngoài khơi và tận các bến cá, cảng cá, khiến cho nguồn nguyên liệu khai thác vốn đã hạn chế nay lại càng thiếu hụt trầm trọng. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đã nhập nguyên liệu từ 70 quốc gia trên thế giới. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để bảo đảm việc làm và kim ngạch xuất khẩu, hàng năm, công ty này phải nhập khoảng 1.000 tấn nguyên liệu từ các nước châu Á, châu Mỹ. Công ty CP Hải Việt cũng nhập đến 25-30% tổng sản lượng nguyên liệu sản xuất hàng năm. Còn Công ty CP Thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo, mặc dù không phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, nhưng công ty cũng phải đặt mối quan hệ thu mua hải sản khắp các tỉnh, thành từ Thanh Hóa vào Cà Mau.
Đối với các doanh nghiệp chế biến mặt hàng tôm, ngoài nguy cơ thiếu nguyên liệu còn phải đứng trước một thách thức lớn về an toàn vệ sinh thực phẩm do hiện tượng người nuôi tôm và thương lái bơm tạp chất vào tôm, hoặc ướp hóa chất giữ tươi. Bên cạnh đó, với cơ cấu 80% thị phần thức ăn chăn nuôi thủy sản thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Nhà nước chưa thể kiểm soát hết chất lượng mặt hàng này, nên chất lượng nguyên liệu thủy sản nuôi cũng chưa bảo đảm.
Vài năm gần đây, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế và lạm phát cao, giá cả đầu vào và lãi suất ngân hàng cao, biến động theo chiều hướng bất lợi cho nông dân và doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản đứng trên bờ vực phá sản do phải vay vốn từ ngân hàng. Chi phí đầu vào cao, chất lượng thấp dẫn đến sản phẩm thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia. Trong tình thế đó, các doanh nghiệp có trình độ quản lý kém, tầm nhìn ngắn hạn thường dùng “chiêu” hạ giá sản phẩm để cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành hàng. “Không đủ khả năng xuất khẩu, thay vì quan tâm đến thị trường nội địa, tìm hướng đi riêng cho mình, các doanh nghiệp này lại coi thị trường nội địa là thứ yếu” - ông Lê Văn Lang - Giảng viên trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, nói.
Một vấn đề cần được quan tâm nữa, đó là lao động. Với 85% lao động trong ngành là nữ, lại phải làm việc trong môi trường nhiều bất lợi cho sức khỏe, ngành chế biến thủy sản khó có thể vượt qua thách thức nếu muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của ông Lê Văn Lang, hiện tại có khoảng 63,6% lao động ngành thủy sản bị bệnh tai mũi họng, 48,5% bị bệnh về da, 46,6% bệnh về mắt và 18,8% bị các bệnh liên quan đến cơ, xương, khớp. Nguyên nhân khiến họ dễ mắc các bệnh này là do điều kiện làm việc trong môi trường nhiệt độ thấp, ẩm ướt và trơn trượt.
Từ những thách thức trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc ngành chế biến thủy sản phải quan tâm nhiều hơn việc giải quyết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người khai thác, nuôi trồng nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề liên kết ngành trong tiêu thụ sản phẩm, cũng như công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã