Chưa bao giờ bộ máy hành chính, sự nghiệp của chúng ta lại phình to và cồng kềnh như hiện nay. Sau hàng chục năm tiến hành tinh giản biên chế, số lượng các đầu mối, đơn vị, biên chế không chỉ giảm mà còn có xu hướng tăng, “bóp” chỗ này lại “phình” chỗ kia.
Bằng chứng là, theo Báo cáo giám sát của Quốc hội, giai đoạn từ 2011 - 2016, số đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng 28 đơn vị, các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị.
Còn Bộ Nội Vụ thống kê, trong số hơn 24.000 người được tinh giản từ năm 2015 đến nay, thì có đến hơn 21.000 người nghỉ hưu trước tuổi.
Như vậy, việc giảm đầu mối và giảm nhân sự chúng ta đã thực hiện không hiệu quả. Chúng ta chưa loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức yếu kém, không có năng lực, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Thực tế có quá nhiều đơn vị gặp tình trạng 1 người làm việc “gánh” 2-3 người ngồi chơi. Sở dĩ có tình trạng càng giảm càng phình là do tình trạng nể nang, lợi ích nhóm nên vô cùng khó để cắt giảm.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án vị trí việc làm. Thực tế, các cơ quan, tổ chức hành chính đã xây dựng đúng với biểu mẫu quy định, mô tả chi tiết vị trí việc làm và khung năng lực theo danh mục của Bộ Nội vụ, nội dung đầy đủ theo yêu cầu. Nhưng kết quả lại không thừa ra một vị trí nào, thậm chí có quá nhiều vị trí việc làm còn khuyết, hiện vẫn đang nhiều cán bộ công chức, viên chức phải kiêm nhiệm, quá tải công việc…
Ai cũng thấy hệ thống thang bảng lương phức tạp và lạc hậu, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập; chính sách tiền lương của cơ quan Nhà nước chưa thỏa đáng, thế nhưng ai cũng tìm cách để có một chân trong cơ quan Nhà nước. Đội ngũ những người ăn bám, ký sinh vào hệ thống cơ quan Nhà nước để gây khó cho người dân, doanh nghiệp vì thế mà cũng gia tăng. Những người này sống chủ yếu bằng “lậu”, bằng bổng lộc, tiền phong bì phong bao, chứ không quan tâm đến tiền lương.
Ấy là chưa kể, rất nhiều dự án, công trình, công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước đều có tình trạng thất thoát, thua lỗ kéo dài, nhưng tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lại quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Những bất cập này từ chính cơ chế, chính sách, mà mấu chốt là từ chính con người mà ra.
Để tiền lương thực sự là yếu tố thúc đẩy năng suất lao động, thu hút người tài, người có năng lực vào cơ quan Nhà nước thì cần một chính sách tiền lương đột phá. Tuy nhiên, cải cách tiền lương theo hướng nào khi mà bộ máy ngày một phình to? Câu trả lời đầu tiên, đơn giản nhất ai cũng có thể nhìn ra là phải sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế.
Nếu không tinh giản biên chế thì rất khó cải cách tiền lương. Khi đã có tiềm lực kinh tế, Nhà nước có quyền lựa chọn người tài thực sự để làm việc phục vụ hệ thống, phục vụ nhân dân… khi đó mới mong đất nước có sự chuyển mình. Còn như hiện nay, phần lớn ngân sách Nhà nước chỉ để nuôi bộ máy, phần chi cho đầu tư cho phát triển ngày một eo hẹp thì không có một nguồn lực tài chính quốc gia nào có thể gánh chịu nổi./.
Theo Vũ Hạnh/VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã