Sáng nay, ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã chính thức thông qua Dự án Luật Quy hoạch, dự luật của đổi mới và cải cách.
Kết quả, đã có 455 đại biểu tham gia biểu quyết, bằng 92,67% tổng số đại biểu. Trong số đó, có 433 đại biểu tán thành, chiếm 88,19%. Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Quy hoạch. Lần đầu tiên, Việt Nam có một dự luật riêng điều chỉnh công tác lập quy hoạch của Việt Nam.
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch |
Được trình ra Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, Dự thảo Luật Quy hoạch đã nhận được sự đánh giá cao của dư luận. Tư tưởng cải cách, đổi mới của Luật Quy hoạch được cho là sẽ tạo nên một “cuộc cách mạng” trong công tác lập quy hoạch, lâu nay manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả, thiếu tính thị trường.
Thậm chí, nhiều đại biểu Quốc hội đã từng khẳng định, dự luật này như một “phát đại bác” bắn vào thành lũy cuối cùng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung từng “đày đọa” nhau một thời.
Hai trong số những tư tưởng đổi mới nổi bật của Luật Quy hoạch, đó là sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích cực và bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm, thay vào đó để thị trường tự điều tiết.
Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với việc xây dựng được quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích hợp, việc huy động, phân bổ và sử dụng, khai thác các nguồn lực quốc gia sẽ hiệu quả hơn, mang tính thị trường hơn.
Việc triển khai thi hành Luật Quy hoạch cũng sẽ góp phần quan trọng đối với tăng cường liên kết phát triển vùng, phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương và từng ngành. Luật Quy hoạch cũng sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, cũng như góp phần quan trọng thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước - trước thiên về mục tiêu quản lý, giờ vừa đảm bảo quản lý vừa đảm bảo kiến tạo, phát triển, phục vụ phát triển.
Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Quy hoạch được thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, song cuối cùng Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm thông qua sang Kỳ họp thứ 4, để có thời gian chuẩn bị tốt hơn, Luật hoàn thiện hơn và đảm bảo khả năng thực thi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã