Học tập đạo đức HCM

Chờ qua đêm 30 của nông nghiệp

Thứ bảy - 25/07/2015 08:48
Nền nông nghiệp Việt Nam trước TPP sẽ thắng hay thua?
 
Tại Việt Nam, hầu như các loại giống cây trồng từ lúa, hoa màu, rau quả đến các giống vật nuôi cao sản... đều đã tràn lan ngoại nhập.Trong ảnh: Bò thịt của Úc được nhập nguyên con về Việt Nam để giết mổ. Ảnh: Uyên Viễn

Nỗi lo từ con giống
 
Một buổi chiều cách đây vài tuần, một nhóm chuyên gia ngồi lại với nhau và một câu chuyện được xới lên đan xen nhiều tâm trạng: sự trở lại của Monsanto, công ty Mỹ vốn là một bị đơn chủ chốt trong vụ kiện chất độc da cam của Việt Nam. Đến Việt Nam lần này, dĩ nhiên, Monsanto, dưới cái tên Dekalb Việt Nam, không phải để bán hóa chất mà là giống cây trồng.
 
Monsanto nằm trong số sáu đại gia lớn nhất về giống cây trồng, đặc biệt là giống cây biến đổi gen. Và điều đáng lo hơn là năm trong số sáu đại gia đó đã có mặt tại Việt Nam, từ Syngenta của Thụy Sỹ đang bán các loại giống như bắp biến đổi gen, đến Bayer của Đức, Dupont và giờ là Monsanto của Mỹ.
 
Chưa cần đến khi Việt Nam cho phép trồng đại trà cây biến đổi gen thì thị trường giống cây trồng, và cả giống vật nuôi, ở Việt Nam gần như đã nằm dưới sự thống lĩnh của các tên tuổi nước ngoài. Theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, chỉ riêng năm 2013, Việt Nam đã nhập về các giống rau trị giá 500 triệu đô la Mỹ. Rộng hơn, hầu như các loại giống cây trồng từ lúa, hoa màu, rau quả đến các giống vật nuôi cao sản... đều đã tràn lan ngoại nhập.
 
Nghịch lý là các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu ra các loại giống tốt, giá lại rẻ, có điều không bán ra được. Trong khi đó, giống từ các công ty bên ngoài được bán với giá hơn gấp ba lần, nhưng lại được mua rất nhiều. Lý do, theo ông Bửu, các công ty này làm tiếp thị rất tốt, lại cho nông dân mua nợ, đồng thời thưởng lớn cho người bán theo doanh số. Và hệ quả là giống trong nước dần lép vế, dù Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, với thuế suất nhập khẩu về mức 0%, nông nghiệp nước nhà đứng trước nguy cơ thất thủ.
 
Đêm 30 của ngành chăn nuôi
 
Chăn nuôi là một trong những lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất mà tiền đồ trước TPP thì “tối đen như đêm ba mươi”.
 
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng một khi TPP có hiệu lực thì những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn sẽ là ô tô, thịt lợn, thịt bò và đường. Chăn nuôi là một trong những lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất mà tiền đồ trước TPP thì “tối đen như đêm ba mươi”.
 
Hàng rào thuế quan TPP gỡ bỏ sẽ dọn đường cho thịt bò từ Mỹ, Canada, Úc, New Zealand đến. Các sản phẩm khác như sữa và sản phẩm từ sữa, thịt heo đông lạnh, thịt gà đông lạnh và phụ phẩm cũng nối gót theo sau đó. Điều đáng nói là ở chỗ không phải do ngành chăn nuôi trong nước không đáp ứng được mà là do giá thịt ngoại cạnh tranh hơn. Khi TPP chưa có hiệu lực, cạnh tranh đã nóng, TPP có hiệu lực thì sẽ còn khó khăn hơn nhiều khi thuế suất về 0%, thịt ngoại cạnh tranh hơn.
 
Thịt bò chẳng hạn, nhất là bò sống, đang chứng kiến sự tăng nhiệt từ Úc, một trong 12 thành viên đàm phán TPP trên thị trường Việt Nam. Giá thành 1 ki lô gam thịt bò Úc (nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ), sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch, nuôi tân đáo, giết mổ, lãi vay ngân hàng... là khoảng 170.000 - 180.000đồng/ki lô gam. Trong khi đó, giá bò thịt nuôi tại Việt Nam không dưới 200.000 đồng/ki lô gam.
 
Khi bò thịt đang bi quan thì bò sữa có vẻ như đang là một điểm sáng. Tổng kết năm 2014, Việt Nam có khoảng 227.000 con bò sữa, và cuộc điều tra vào ngày 1-4-2015 cho thấy đàn bò đã lên tới 253.700 con, một mức tăng đáng kể. Với tốc độ này sẽ không khó để đạt đến 300.000 con theo quy hoạch đến năm 2020. Nhưng có thật bò sữa sẽ mang lại những dòng sữa ngọt ngào cho nông nghiệp Việt Nam?
 
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Quốc tế Trần Bảo Minh cho rằng chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam không thể cạnh tranh lại với các quốc gia như Mỹ, New Zealand hay Úc được, vì điều kiện thổ nhưỡng, đồng cỏ lớn, thức ăn sẵn. Ông lấy ví dụ, để đầu tư một “module” bò sữa khép kín công nghệ cao ở Việt Nam, một công ty bỏ ra chừng 600 tỉ đồng cho 2.000 con bò. Ở Úc hay New Zealand các công ty sữa chẳng phải mất con số đó bởi có những cánh đồng cỏ bao la, thức ăn sẵn, và bò cho sữa chất lượng cao. “Giá sữa thu mua từ các quốc gia đó rẻ hơn nhiều so với Việt Nam, còn chất lượng thì mình không thể so sánh”, ông Minh nói.
 
Chính vì thế, việc Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi bò sữa được ông Minh ví như việc phát huy một sở đoản của ngành nông nghiệp và không thể nào cạnh tranh được với sở trường của các quốc gia trong TPP như New Zealand, Úc và Mỹ. Trong khi đó thì cây lúa hạt gạo là sở trường lại đang bị bỏ quên, không thể xây dựng nổi một thương hiệu gạo Việt Nam. Và nền nông nghiệp trước TPP thì thắng thua dường như đã rõ. “Nhưng người tiêu dùng được lợi”, ông Minh nói thêm.
 
Tương lai hội nhập: tươi sáng hay xám xịt?
 
Theo một tham luận của ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành Vinamilk trong một hội thảo về ngành chăn nuôi mới đây, trong TPP, ba nước có ảnh hưởng nhiều đến thị trường sữa Việt Nam là New Zealand, Mỹ và Úc. Với hai quốc gia ở châu Đại Dương, Việt Nam đã có các thỏa thuận mở cửa thị trường theo AANZFTA, và thuế suất các sản phẩm sữa hiện tại là 7%, đến năm 2018 sẽ về bằng0%. Không thể áp dụng các hàng rào kỹ thuật vì các tiêu chuẩn đều luôn vượt. Giá nguyên liệu sữa đang giảm, và được dự báo sẽ tiếp tục giảm từ 5-10% vào năm 2018.
 
Một khi TPP có hiệu lực, với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng, cùng một lúc ba đại gia ngành sữa và thịt bò này đồng loạt tấn công thì ngành chăn nuôi trong nước coi như thất thủ.
 
Vì sao chăn nuôi Việt Nam lại yếu thế? Các nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra như chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, giá thành chăn nuôi cao, năng suất vật nuôi thấp và năng suất lao động thấp mà giá thành lại cao, chính là những thách thức gay gắt khi tham gia hội nhập. Hơn nữa lại thiếu tính liên kết. Một trong những điều khiến giá cao chính là có quá nhiều tầng nấc trung gian trong chuỗi giá trị. Viện Chăn nuôi Việt Nam cho biết trong khi các quốc gia khác chỉ có chừng 2-4 tác nhân trung gian thì ở Việt Nam là 5-7.
 
Trong khi đó, các đánh giá của các chuyên gia quốc tế và trong nước đều cho thấy Việt Nam hưởng lợi lớn nhất từ TPP và người Việt vẫn còn khá lạc quan trước hội nhập. Dù vậy, các lợi ích kể trên chỉ là suy đoán trên lý thuyết, còn thiệt hại thì luôn hiện hữu.
 
Những con số về thương mại đã cho thấy một bức tranh u ám thì những cam kết phi thương mại như sở hữu trí tuệ trong TPP càng làm cho bức tranh xám xịt hơn với việc bảo hộ giống cây trồng, vật nuôi thông qua bằng sáng chế. Các nguy cơ sẽ hiển hiện khi các loại cây và con giống mới có năng suất cao và chất lượng tốt sẽ không thể được sử dụng cho việc nuôi trồng trực tiếp bằng hạt giống, con giống sau thu hoạch mà phải được sự cho phép của tổ chức và cá nhân giữ bản quyền, và kèm với đó là một khoản phí. Những điều khoản vô cùng khắc nghiệt về sở hữu trí tuệ có dấu ấn vận động hành lang của những đại gia giống cây trồng nói trên. Giá thành sản xuất ở Việt Nam đã cao, năng suất lao động lại thấp, nay thêm những “cái eo” như vậy thì e quả ngọt mình trồng nhưng cho người hái.
 
Trần Phi Tuấn (thesaigontimes.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập133
  • Hôm nay31,524
  • Tháng hiện tại650,447
  • Tổng lượt truy cập91,824,176
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây