Vị ngọt của trái chôm chôm đã vượt khỏi lớp vỏ sần sù, mời gọi thực khách gần xa.
Đóng gói chôm chôm đầu vụ giao cho thương lái |
Từ trung tâm thành phố Tây Ninh về đến các vườn chôm chôm ở Ninh Thạnh chừng 7km. Mùa này nắng mưa xen lẫn, trên con đường cát trắng ở Ninh Thạnh có những vũng sình nhỏ, ngoằn nghèo, sâu hun hút. Ẩn sâu trong những con phố nhỏ ấy là những vườn chôm chôm đỏ rực, căng mọng và ngọt lịm.
Nông dân nơi đây đang nhanh tay hái trái, đóng gói để kịp gửi ra chợ hoặc giao hàng cho thương lái khắp gần xa. Phải nói rằng không khí thu hái chôm chôm ở đây rất nhộn nhịp. Dưới những khoảng vườn, nhiều khách “du lịch tại chỗ” ở Tây Ninh cũng ghé thăm và mắc võng, trải bạt ngồi hóng mát, tụ tập hàn huyên dăm ba câu chuyện.
Anh Võ Văn Khá (34 tuổi) một nông dân còn khá trẻ nhưng kinh nghiệm trồng chôm chôm đã ở dạng “siêu” cho biết, thời tiết năm rồi mưa nhiều quá khiến chôm chôm bị ảnh hưởng, song nhờ chịu khó nên người nông dân vẫn kiếm được lời.
Anh Khá là nhà vườn trồng chôm chôm có tiếng nhất Ninh Thạnh nhiều năm qua. Nhanh tay đóng gói những chùm chôm chôm tươi ngon vô bịch (loại 10kg/bịch) anh nói đây là “hàng chợ”. Hàng này anh dao cho lái giá 5.000 đồng/kg. “Hàng chọn” được bán với giá 7.000 đồng/kg, hồi đầu mùa đặt hơn, có thể 10.000 đồng/kg. Thương lái đến tận vườn lấy cũng có, anh Khá dùng xe honda chở xuống chợ giao tận nơi cho khách cũng có.
Theo anh Khá, thời điểm này chôm chôm rớt giá hơn so với năm trước. Tuy nhiên, năm nay chôm chôm chín sớm nên nông dân cũng thu hồi vốn sớm, đặng co tiền xoay xở nhiều chuyện khác.
Năm nay tuy thời tiết có “đỏng đảnh” hơn nhưng vườn chôm chôm của anh Khá cũng cho năng suất 20 tấn/ha. “Nếu thuận lợi hơn, mình có thể thu 30 tấn/ha. Với nhà nông sản lượng và giá bán là hai điều quan trọng nhất để thu lời. Một trong hai mà chệch là khó kiếm lắm”, anh Khá bộc bạch.
Theo kinh nghiệm của anh Khá, chôm chôm thường dễ trồng, tuổi thọ cao, ít sâu bệnh. Đặc biệt công chăm sóc và phân bón cho chôm chôm rất ít. Nhà vườn nào ít kinh nghiệm, ít công chăm sóc có thể đầu tư trồng chôm chôm.
Anh Khá bên vườn chôm chôm đang thu hoạch của gia đình |
Vườn chôm chôm của hai ông Bảy Tích và Út Lành cũng đang mùa chín đỏ. Ông Bảy và ông Út là hai anh em, gia tộc hai ông thuộc những người trồng cây ăn trái có “số” ở Tây Ninh. Mỗi ông có hơn hai ha đất trồng chôm chôm thường và chôm chôm Thái. Mùa này vườn của ông Út chín trước, ông Bảy tới phụ em hái bán, đợi đến khi của mình chín, ông Út sẽ tới hái phụ sau. Nhìn những chùm chôm chôm sai lúc lỉu trên cành, ông Bảy cười sảng khoái “nhà nào chín trước thu trước, vườn tui chín sau thì tui chịu khó thu sau. Cứ từ từ rồi mình cũng thu cho bằng hết, rồi người ta cũng sẽ ăn hết cả vườn à”.
Theo anh Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân Ninh Thạnh thì đây là vùng đất khá bằng phẳng nên các nhà trồng chôm chôm rất chú trọng khâu chăm sóc thủy lợi. Mỗi vườn đều đào rãnh thoát nước, dùng hệ thống tưới tự động bằng ống cao su trải đều dưới các gốc cây.
Đây là điều kiện thuận lợi để chôm chôm có thể ra trái, đúng mùa, đúng vụ, phục vụ người tiêu dùng và mang lợi ích kinh tế cho nhà vườn. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu thất thường, nhà vườn cũng rất khó kiểm soát lượng nước. Đặc biệt mưa nhiều, nước không kịp thoát sẽ ảnh hướng tới khả năng ra trái của chôm chôm.
Những nhà vườn trồng chôm chôm ở Ninh Thạnh cho biết, đất Tây Ninh chỉ trồng được một vụ, không giống với nhà vườn ở dưới miệt Tây Nam bộ. Nếu nông dân ráng làm, cũng không đạt chất lượng, vì vậy họ chỉ làm một vụ cho “chắc ăn”.
Ninh Thạnh hiện có khoảng 16ha chuyên canh cây chôm chôm. Đây là những nhà vườn có truyền thống lâu năm. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng chôm chôm chỉ ở mức trung bình. Giá trái năm nay thấp hơn năm trước, nhưng người nông dân Ninh Thạnh vẫn hưởng được vị ngọt của cây chôm chôm truyền thống này. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã