Đầu giờ chiều 15-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trước đó, trước khi Quốc hội nghỉ trưa, đã có hàng chục ĐBQH tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng. Các câu hỏi tiếp tục xoáy sâu vào nội dung vấn đề xả lũ của thủy điện, sản xuất ô tô, những dự án ngàn tỷ đắp chiếu, trách nhiệm quản lý thị trường phân bón, hàng giả, hàng lậu...
Đáng chú ý, sau khi Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định không có lợi ích nhóm ở dự án thép Cà Ná, dự án này được xem xét, bổ sung vào quy hoạch đúng quy trình, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã tiếp tục chất vấn rất thẳng thắn về dự án thép Cà Ná. ĐB Lưu Bình Nhưỡng dẫn lại lời hứa của Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen trước Thủ tướng rằng nếu dự án Cà Ná có sai phạm thì sẽ giao toàn bộ tài sản cho nhà nước. “Tôi không muốn hậu quả xấu xảy ra với đất nước này, để nhân dân chúng ta phải gánh hậu quả. Vậy Bộ trưởng có dám cam kết với Quốc hội là nếu sau này dự án Cà Ná có hệ lụy gì, Bộ trưởng sẽ từ chức không?”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng hỏi. Rất đáng tiếc, vì hết thời gian, Bộ trưởng Bộ Công thương không kịp trả lời câu hỏi này của ĐB Lưu Bình Nhưỡng.
Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 15-11. Ảnh: Lã Anh
Bên cạnh nội dung về dự án thép Cà Ná, trong phần trả lời chiều 15-11, Bộ trưởng cũng trả lời câu hỏi của ĐB liên quan đến các dự án “ngàn tỷ đắp chiếu”. ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, Bộ trưởng đã quyết tâm rà soát các dự án ngàn tỷ đắp chiếu. “Nhưng tôi vẫn muốn biết có bao nhiêu dự án có nguy cơ này, liệu kỳ sau ĐBQH có phải đọc một danh sách những dự án khiến chúng ta đau lòng, xót xa?”, ĐB Hiếu nêu. Khá thẳng thắn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận: nếu phải báo cáo thêm nữa tôi cũng rất đau xót, nhưng đây là vấn đề phải rà soát cẩn thận. “Tôi đã nói là còn những dự án có nguy cơ này. Còn bao nhiêu dự án, nằm ở đâu, trách nhiệm của bộ ngành nào thì chúng tôi cần phải tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ đầy đủ. Chắc chắn, khi có rà soát đầy đủ, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội ở các kỳ họp sau”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 22 ĐB chất vấn, còn 9 ĐBQH đã chất vấn mà chưa được trả lời; 20 câu hỏi đăng ký chất vấn mà không có cơ hội do hết thời gian; 4 ĐBQH tranh luận lại. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bộ trưởng nắm chắc tình hình, thực trạng, trả lời lưu loát, trôi chảy, làm rõ các vấn đề ĐB nêu, có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, một số nội dung trả lời còn dài, chưa rõ giải pháp cụ thể, chưa rõ trách nhiệm nên các ĐBQH phải tranh luận lại.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công thương chủ động rà soát các dự án có khả năng thua lỗ; rà soát các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là các dự án ven biển, trong đó có dự án thép Cà Ná, báo cáo Quốc hội. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương, các bộ ngành liên quan đối với các dự án thua lỗ, làm rõ giải pháp khắc phục với từng dự án để hạn chế thấp nhất việc thất thoát tài sản của nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trạng xả lũ thì đúng quy trình mà vẫn gây thiệt hại cho dân. Có sự phân công, phối hợp rõ ràng về quản lý nhà nước trong quản lý phân bón…
PHAN THẢO
http://www.sggp.org.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã