Theo TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, đến ngày 19-3, ĐBSCL đã thu hoạch được 1,15 triệu ha lúa đông xuân. Dự kiến đến cuối tháng 4-2013 sẽ thu hoạch dứt điểm trên 1,5 triệu ha. Ước năng suất đạt khoảng 6,8 tấn/ha, sản lượng lúa trên 10,6 triệu tấn. Nông dân ĐBSCL đã và đang đối diện với nhiều thách thức do thời tiết khắc nghiệt gây ra: Khô hạn cục bộ, một số diện tích sản xuất lúa ở hạ lưu các tỉnh ĐBSCL xuống giống trễ bị xâm nhập mặn và khô hạn vào cuối vụ. Lũ năm 2012 không cao, thời gian lũ ngắn lượng phù sa bồi bổ ít, kèm theo đó tình hình vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp thường biến động vào cuối năm, nhất là đầu vụ đông xuân, làm nông dân chịu thiệt hại và tăng thêm chi phí sản xuất. Theo VFA, đến giữa tháng 3-2013, Việt Nam đã xuất khẩu trên 906.000 tấn gạo (tăng 9,59%), trị giá 403,5 triệu USD (giá FOB). Giá xuất khẩu bình quân đạt 445,32 USD/tấn. Hiện Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ) đang thu mua lúa thơm với giá 6.150 - 6.300 đồng/kg (lúa khô), gạo thơm 9.800 - 9.950 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với tuần trước. Trong khi đó, gạo nguyên liệu làm ra gạo loại 5% tấm được doanh nghiệp này thu mua ở mức 6.950 - 7.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm ra gạo 15% tấm giá 6.850 - 6.900 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg trước khi có chính sách thu mua tạm trữ. Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhìn nhận: Việc triển khai thu mua tạm trữ lúa đã có tác động đến giá lúa nhưng không nhiều. Giá lúa chỉ tăng thêm khoảng 300 - 400 đồng/kg nhưng vẫn còn ở ngưỡng thấp, nông dân chưa đạt lợi nhuận như mong muốn. “Việc thu mua tạm trữ lúa năm nào cũng làm, nhưng theo tôi hiệu quả không cao, thậm chí dư luận còn xì xầm có lợi ích nhóm” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích và cho rằng, điều quan trọng là phải có quy định ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân. Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần hình thành khoảng 5.000ha vùng nguyên liệu trồng lúa (có thể gắn với cánh đồng mẫu lớn). Nếu chỉ lấy con số khoảng 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, việc hình thành khoảng 500.000ha, tương đương khoảng 3 triệu tấn lúa là trong tầm tay. Thông qua mô hình này sẽ ký kết hợp đồng bao tiêu và tạm trữ là tốt nhất. Lãnh đạo ngành nông nghiệp Long An cũng đồng ý với đề xuất này. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân trong cánh đồng mẫu. Thực tế, trong vụ lúa đông xuân vừa qua đã có doanh nghiệp “bỏ lúa chạy trốn” gây thất vọng cho nông dân trồng lúa trong cánh đồng mẫu. Điều nông dân lo lắng hiện nay là sau khi mua xong chỉ tiêu tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa), giá lúa sẽ ra sao? Ước tính, sản lượng lúa ĐBSCL trên 10,6 triệu tấn, trong đó lúa hàng hóa khoảng 7 - 8 triệu tấn cần tiêu thụ. Hiện nay, lúa hàng hóa còn rất lớn trong dân. “Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang, hiện nay còn khoảng 600.000 - 700.000 tấn lúa hàng hóa trong dân” - ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết.
Trong những ngày qua, dư luận ở ĐBSCL khá bức xúc vì chuyện nông dân trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm bán với mức giá thấp, thậm chí một số loại lúa thơm như Jasmine 85 bị tồn đọng rất lớn. “Chúng tôi không biết ăn nói sao với ngành nông nghiệp cấp huyện khi họ đặt vấn đề tại sao giá lúa chất lượng cao và lúa IR 50404 (phẩm cấp thấp) không chênh lệch bao nhiêu. Vậy sắp tới nên khuyến cáo nông dân trồng lúa ra sao, ngành nông nghiệp rất khó khăn để chỉ đạo” - ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, than thở. Tại An Giang, giá lúa Jasmine chỉ còn 6.100 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái gần 800 đồng/kg. “Bộ NN-PTNT khuyến cáo trồng lúa thơm Jasmine để xây dựng thương hiệu nhưng không ai mua. Doanh nghiệp cứ mua gạo từ lúa IR 50404 pha vào xuất gạo 5% tấm, cạnh tranh bằng cách giảm chất lượng kèm theo giảm giá. Chúng tôi thật sự bị sốc khi một doanh nghiệp lớn trực thuộc VFA ký kết bản ghi nhận nhưng không thực hiện” - ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, ấm ức. Đây cũng là thực tế đáng buồn cho hàng ngàn nông dân ở Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang đã cố gắng đầu tư trồng lúa thơm Jasmine 85 nhưng lại nhận quả đắng! Đã vậy, lãnh đạo ngành nông nghiệp ĐBSCL và giới truyền thông bị dội “một gáo nước lạnh” khi ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, trong một hội nghị mới đây cho rằng báo, đài cũng nhầm lẫn giữa lúa chất lượng cao và lúa thơm. Theo ông Trượng, lúa thơm hiện nay được công ty mua tỷ lệ lẫn lộn (giống khác) không quá 10%, nếu làm lúa thơm mà lẫn lộn trên 30% thì giá mua sẽ chênh lệch không cao so với lúa thường. Giá lúa thơm Jasmine giảm vừa qua do nhiều nguyên nhân. Nông dân chuyển sang làm lúa chất lượng cao, lúa thơm với tỷ lệ và sản lượng lớn, gây mất cân bằng cung cầu, dẫn đến việc thu mua lúa hàng hóa chậm lại, lúa thơm bị ách tắc. Xem ra diễn giải như trên của ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, dễ chấp nhận hơn. Cao Phong |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã