Rừng quế trở nên vô cùng thiêng liêng đối với họ, mỗi năm người ta đều tổ chức cúng rừng, cúng người đã tìm ra cây quế giúp cho cuộc sống họ trở nên giàu có, sung túc bội phần…
Bạt ngàn rừng quế Viễn Sơn |
Ngược dòng Thia chúng tôi đến xã Viễn Sơn nằm sâu trong đại ngàn điệp trùng rừng quế. Đây là lần thứ ba tôi đến Viễn Sơn, lần thứ nhất đi cùng Bộ trưởng Cao Đức Phát và bà Victoria Kwaka - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam kiểm tra vốn vay của WB đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, lần thứ hai tham dự Lễ hội quế lần thứ nhất huyện Văn Yên, lần thứ ba này tôi mới phát hiện một điều vô cùng lý thú về cây quế và ông tổ của nghề trồng quế nơi đây, đó là cụ Bàn Thừa Phú, đã tìm ra cây quế trồng trên đất Viễn Sơn cách nay 200 năm.
Chủ tịch xã Viễn Sơn, ông Bàn Phúc Hín kể: Tôi nghe các cụ truyền lại, cụ tổ nghề trồng quế của chúng tôi là cụ Bàn Thừa Phú, dân bản quen gọi là cụ Sáu Phú. Cụ vốn làm nghề bốc thuốc cho dân bản nên rất yêu rừng, yêu cây cỏ thiên nhiên. Một lần cụ được mời sang Trung Quốc chữa bệnh cho một người giàu có ở bên đó đang lâm bệnh nặng. Người này chính là người buôn bán thảo dược, nhưng bị bệnh hiểm nghèo không thuốc nào chữa khỏi nên mời cụ Bàn Thừa Phú mang bài thuốc bí truyền của tổ tiên sang giúp chữa bệnh cho họ.
Sau vài thang thuốc người này khỏi bệnh đã trả ơn cụ một túi bạc và nói rằng: Ở miền núi phía Bắc Việt Nam có một loài cây tên là quế, rất có giá trị kinh tế cũng như dùng để làm thuốc chữa bệnh, gọi là “tiên hàng”… Sau khi nghe ông ta mô tả hình dáng, mùi vị của cây quế, cụ trở về đi khắp núi rừng tìm cho bằng được loài cây quý đó.
Ngôi đình thờ thần rừng và thành hoàng làng tìm ra cây quế của Viễn Sơn |
Dấu chân của cụ in không sót một cánh rừng nào, một lần kia trên dãy núi Bàn Đẳng cao đỉnh núi Ba Chum, nơi có ba đỉnh núi chụm vào nhau như ba ngón tay người, cụ tìm thấy đúng loài cây như người Trung Quốc kia đã mô tả về hình dáng và mùi vị. Cụ cẩn thận đánh hai cây nhỏ mang về trồng ngay cạnh đầu hồi nhà, hàng ngày tưới bón chăm sóc, cây cứ lớn dần theo năm tháng.
Khoảng 20 năm sau, cây to bằng một người ôm thì ra hoa kết hạt, cụ bắc một cái giàn rất cao cắt cử con cháu ngày đêm canh giữ không cho chim chóc và các loài thú sóc, chuột, cầy hương… tới phá hoại. Năm đầu cũng chỉ thu được mấy trăm hạt đem gieo. Giá mỗi hạt 5 hào bạc trắng, tính ra tiền bây giờ khoảng 400 ngàn đồng một hạt. Năm sau giá xuống chỉ còn 2 - 3 hào một hạt, nhưng gia đình nào giàu có cũng chỉ mua được 9 - 10 hạt về gieo. Ngày ấy, dân Viễn Sơn nghèo lắm, chẳng mấy nhà có tiền mua hạt quế, nhà nào có con gái bố mẹ trồng 4 - 5 cây quế để làm vốn tặng cho con gái khi đi lấy chồng. Của nả của bố mẹ chỉ có thế thôi, khi nào cần làm việc gì lớn như dựng nhà, mua trâu bò thì hạ mấy cây quế đó bán lấy tiền để mua sắm.
Bởi thế, cây quế được người ta quý như cây vàng, hết mực chăm sóc. Ngày ấy, người Trung Quốc vượt núi, vượt dòng Thia lặn lội vào tận Viễn Sơn mua những cây quế 50 - 60 năm tuổi. Trước khi hạ, người ta phải mổ lợn, gà để tạ ơn thần núi, thần rừng và cụ Bàn Thừa Phú. Mỗi cây quế được mua bằng một túi bạc trắng, giá bằng mấy con trâu.
Trước khi mất, cụ Bàn Thừa Phú chọn một doi đất dưới chân núi hình mui rùa dựng một cái lán nhỏ chôn 3 hòn đá tựa như 3 đỉnh núi xuống đất làm nơi thờ thần núi, thần rừng, thần cây đã giúp người Dao Viễn Sơn tìm được một giống cây quý, nhờ cây đó mà họ được đổi đời. Hàng năm, người dân Viễn Sơn tổ chức 4 ngày cúng rừng tại căn lán đó, mà họ kính trọng gọi là đình - đình làng Viễn Sơn, vào ngày Dần đầu năm và các ngày 3/3, 6/6 và 2/8 âm lịch.
Ông Bàn Phú Định thắp hương trước bàn thờ tạ ơn cụ Bàn Thừa Phú |
Đến thăm ngôi đình làng Viễn Sơn cách trụ sở UBND xã chừng 7 cây số, ông Bàn Phú Định thủ nhang của ngôi đình còn khá trẻ, cho hay: Đến đời ông là đời thứ tư tiếp nhận việc thờ cúng ở ngôi đình này. Ngôi đình nằm ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ lá xanh um tùm phủ bóng xuống ngôi đình lợp bằng tấm lợp Fibro ximăng, ngôi đình khá đơn sơ mà người dân đang có nguyện vọng xây dựng khang trang hơn để tỏ lòng kính trọng tổ tiên và người có công với dân bản.
Trong đình là bàn thờ cao khoảng 80cm, dưới đất là bệ xi măng bao quanh 3 hòn đá chụm vào nhau như ba đỉnh núi, ông Định nói rằng những hòn đá này cụ Bàn Thừa Phú lấy từ dãy núi Bàn Đẳng cách nay 200 năm rồi. Vào ngày Dần đầu năm các gia đình trong bản góp tiền mua một con lợn khoảng 25 - 30kg mang đến đây mổ tế lễ. Ngoài ra mỗi gia đình góp một con gà và một chai rượu, trước khi chọc tiết lợn và cắt tiết gà họ đốt vỏ cây Hung Đang thơm lừng trên bàn thờ, khi cắt tiết họ nhỏ những giọt tiết lên bệ xi măng trước ba hòn đá lầm rầm những lời khấn, đại thể rằng: Hỡi thần núi, thần rừng, linh hồn cụ Sáu Phú hãy về đây chứng giám cho tấm lòng con cháu hôm nay. Cháu con xin mổ con lợn, con gà này làm lễ dâng lên các vị thần và tổ tiên, mong cho mưa thuận gió hòa để cây cối tốt tươi, lúa ngô được mùa, rừng quế không bị sâu bệnh phá hoại, bán được giá…
Ba hòn đá nơi người dân nhỏ tiết gà thề với tổ tiên |
Sau khi cỗ bàn đã chuẩn bị xong, ông Định đánh chuông bắt đầu cúng, ông gọi tên các vị thần và cụ Bàn Thừa Phú, bài cúng của ông dài lắm, sau đó ông đọc danh sách những gia đình trong bản tham gia cúng viết bằng chữ nho để các thần và cụ Bàn Thừa Phú nhớ tên họ. Hiện có trên 80 hộ tham gia cúng tế, ngoài họ Bàn còn nhiều họ khác trong xã cũng góp giỗ. Tên các chủ hộ được viết trên các tờ giấy bản, sau khi cúng xong các tờ giấy đó được hóa vàng gửi lên trời xanh.
Viễn Sơn là xã trồng quế lâu đời nhất vùng quế Văn Yên, quế ở đây cũng tốt nhất bởi chất lượng tinh dầu. Tổng diện tích tự nhiên của xã có 4.230ha, trong đó diện tích quế hơn 2.600ha. Đặt chân chỗ nào cũng thấy quế, một vùng quế bạt ngàn, xanh ngút ngàn điệp trùng quế. Trung bình mỗi năm người dân Viễn Sơn khai thác khoảng 2.000 tấn quế vỏ khô, tính ra bán cả vỏ, thân, cành, lá người dân thu 30 - 35 tỷ mỗi năm. Nhiều gia đình giàu có nhờ trồng quế, những đại gia quế có từ 10ha trở nên, ví như gia đình ông Nguyễn Kim Hín, ông Lý Chiến Thắng ở thôn Khe Lợ trồng 10ha quế, ông Bàn Tài Chu, Bàn Phú Hoa ở thôn Đồng Lụa trồng từ 15 - 20ha quế, mỗi năm thu vài trăm triệu.
Phó bí thư xã Lý Hữu Quang dẫn tôi đến nhà ông Triệu Tiến Bảo ở thôn Khe Lợ. Gia đình ông Bảo trước đây trồng hơn 20ha, nay chia cho 7 người con, nên hiện giờ ông chỉ giữ lại 5ha. Đường vào nhà ông đèo dốc ngoằn ngoèo đi xe máy còn khó vậy mà ông vẫn mua một chiếc ô tô để thỉnh thoảng tự lái ra huyện chơi thăm con. Ông bảo: Rừng quế cho dân mình tất cả. Làm nhà ư, lên rừng chặt quế. Mua xe máy, hay ô tô lên rừng hạ vài cây quế là có tiền ngay. Tất cả mọi thứ do cây quế cho mình… Nói rồi ông dẫn chúng tôi lên rừng quế xem những "cây vàng" xanh bạt ngàn trên núi.
Ông Triệu Tiến Bảo bên những cây quế tiền triệu |
Khi trở về thì gặp vợ ông, bà Đặng Thị Khé đang hái lá thuốc trong vườn. Hóa ra vợ ông trong nhóm 15 hộ của Viễn Sơn tham gia trồng cây thuốc chữa bệnh. Bà bảo: Chúng tôi chữa được nhiều loại bệnh: Thuốc bổ máu cho chị em sau sinh, thuốc chữa bệnh hiếm muộn con cái, thuốc tăng cường sức lực cho cánh đàn ông… Ông Triệu Tiến Bảo cười: Nhờ thuốc của bà ấy mà tôi đều đặn chiều bà ấy hàng đêm… Nói rồi ông cười kha kha: Hôm nào tôi xuống thành phố ông mời tôi đi hát để thử sức ông lão trên 60 tuổi này nhé…
Bà Đặng Thị Khé hái lá thuốc trong vườn nhà |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã