Học tập đạo đức HCM

Chuyện về người “ép” đất cằn… “nhả vàng”

Thứ sáu - 19/05/2017 10:11
Bén duyên với cây thanh long ruột đỏ 10 năm có lẻ, ông Nguyễn Đình Long, xã Vân Trục (Lập Thạch), người đưa giống cây thanh long ruột đỏ về trồng trên vùng đất khô cằn, sỏi đá và cây không phụ công người chăm sóc, đã mang lại no ấm cho nhiều hộ gia đình nơi đây.

chuyen ve nguoi “ep” dat can… “nha vang” hinh anh 1

 

Gia đình ông Nguyễn Đình Long, xã Vân Trục (Lập Thạch) trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập từ 200-350 triệu/ha. Ảnh Thế Hùng

 

 

Sau gần tiếng đồng hồ lỡ hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Nguyễn Đình Long, xã Vân Trục (Lập Thạch) - người tâm huyết, gắn bó với cây thanh long ruột đỏ ngay từ những ngày đầu bén rễ. Ông Long phấn khởi chia sẻ: Tôi vừa đưa đoàn của Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học và môi trường Hưng Phát khảo sát thực tế để đưa phân vi sinh vào thử nghiệm trên cây thanh long ruột đỏ. Làm nông nghiệp bây giờ phải tập trung quy mô lớn theo mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thì mới tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Có thế, mới tránh được điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của nông sản Việt Nam.

Trả lời câu hỏi về sự “bén duyên” với cây thanh long ruột đỏ, ông Nguyễn Đình Long chia sẻ: Vân Trục là xã nghèo, nhiều đời nay, người dân sống bằng nghề trồng ngô, sắn và bạch đàn, trong khi đó giá trị các loại cây trồng này rất thấp. Vì vậy, cuộc sống của người dân đã khó lại càng khó hơn, gia đình ông Long cũng không ngoại lệ. Làm thế nào để thoát nghèo, câu hỏi đó luôn thường trực trong ông và ông luôn nung nấu ý định làm giàu. Năm 2007, ông tình cờ xem Đài truyền hình Việt Nam giới thiệu hiệu quả kinh tế của cây thanh long ruột đỏ. Ông nghĩ, với đặc tính chống hạn, thích hợp với các loại đất ở trên núi đá, đây sẽ là cây mang lại “quả ngọt” cho vùng đất đá dựng.

Nghĩ là làm, ông bàn với gia đình phá bỏ toàn bộ cây bạch đàn để trồng cây thanh long ruột đỏ, lấy cây giống từ Trường đại học Nông nghiệp I. Sau 3 năm mày mò học hỏi kỹ thuật với những thấp thỏm và hy vọng, cuối cùng, kết quả lại không như mong đợi, hơn 70% số cây thanh long ruột đỏ không cho hiệu quả. Khỏi phải nói lúc đó, ông Long buồn như thế nào, đem ra phân tích từng yếu tố từ kỹ thuật, đến cách trồng, chăm sóc, bón phân. Cuối cùng ông quyết định lấy 20% số giống hiệu quả tự nhân giống cộng với kinh nghiệm học hỏi qua nhiều tài liệu trên sách, báo, mạng Internet và thực tế, trồng tiếp 500 trụ. Còn 4 hộ cùng tham gia với ông, khi thấy không hiệu quả, họ bỏ ngang chừng, chuyển đổi sang trồng cây khác và chỉ còn ông theo đuổi với niềm tin “có đam mê, ắt sẽ thành công”.

Cây trồng cần nhu cầu về dinh dưỡng để tồn tại và khỏe mạnh, ông đã nghiên cứu, xây dựng quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý và khoa học; cắt tỉa những nhánh không cần thiết, tạo dinh dưỡng cho cây nuôi quả. Và trời đã không phụ công người, tất cả các trụ thanh long ruột đỏ của gia đình ông đều cho thu hoạch, với bình quân mỗi trụ từ 10-15kg quả, giá bán 25 nghìn đồng/kg, cho thu nhập 125-188 triệu đồng. Phấn khởi hơn, do thích nghi với đặc điểm đất đai, khí hậu ở đây đã tạo cho quả thanh long ruột đỏ có hương vị và đặc trưng rất riêng đó là, ruột quả đỏ tím, ăn ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và chất khoáng nên được thị trường rất ưa chuộng. Năm 2012, ngoài 1.000 trụ trên đất gia đình, ông Long thuê 6ha đất ở xã Xuân Hòa trồng thanh long ruột đỏ. Hiện gia đình ông đang sở hữu 7.000 trụ thanh long ruột đỏ.

Theo ông Long, cây thanh long ruột đỏ có khả năng chịu hạn tốt và phát triển trên các vùng đồi khô cằn. Thời gian thu hoạch quả từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Nếu thâm canh tốt, đúng tiêu chuẩn, sau 3 năm trồng cho thu hoạch 20-30kg quả/trụ. Dự kiến năm 2017, với 5.000 trụ thanh long ruột đỏ cho thu hoạch của gia đình với bình quân 15kg quả/trụ, giá bán 20 nghìn đồng/kg, cho gia đình thu 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận 700 triệu đồng. Trong khi đó, cây sắn chỉ cho thu lãi từ 19-22 triệu đồng/1ha/năm; cây bạch đàn nguyên liệu từ 13-15 triệu đồng/1ha/năm.

Làm giàu cho gia đình, gắn bó và tâm huyết với cây thanh long ruột đỏ, ông Long luôn giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người dân. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã mở rộng diện tích cây trồng này. Với lợi ích và hiệu quả cây thanh long ruột đỏ đem lại, năm 2010, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của tỉnh, huyện Lập Thạch triển khai dự án trồng thí điểm thanh long ruột đỏ giai đoạn 2011-2013 với quy mô 100ha tại 3 xã: Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa có cây trồng nào cho giá trị kinh tế cao hơn cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất cằn.

Hiện nay, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Lập Thạch, ông và các hội viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn, giống cây trồng; hướng dẫn, giám sát cách sử dụng phân bón, chế phẩm vi sinh và tuân thủ nghiêm túc các quy định của VietGAP; quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long ruột đỏ tại các hội chợ, trên các phương tiện thông tin đại chúng… góp phần đưa thương hiệu "Thanh long ruột đỏ" đến gần hơn với người tiêu dùng. Nhờ vậy, tháng 12-2014, sản phẩm thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) cấp bằng công nhận; nhận “Cúp vàng sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng năm 2016” do Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Cơ quan Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt trao tặng. Và vui hơn, sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được xuất sang thị trường Malaysia

Chưa dừng lại, huyện đã xây dựng dự án “Phát triển vùng sản xuất thanh long phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ tại huyện Lập Thạch” giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự án thực hiện trên 5 xã: Vân Trục, Ngọc Mỹ, Xuân Hòa, Quang Sơn, Hợp Lý; đây là các xã nằm ở phía bắc của huyện có điều kiện địa hình, đất đai, thổ nhưỡng tương tự nhau, tiểu vùng khí hậu giống nhau, rất phù hợp với phát triển thanh long ruột đỏ. Thông qua dự án, sẽ tạo ra sự đột phá trong ngành sản xuất rau quả hàng hóa chất lượng của huyện, tỉnh theo hướng áp dụng những công nghệ tiên tiến hiện đại tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn để cung cấp cho thị trường và xuất khẩu. Nhưng quan trọng hơn, tạo ra thảm thực vật xanh cung cấp oxy làm lợi cho môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái, từ đó, xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, phát triển ổn định, bền vững.

Đi dọc bên đường của những vườn, đồi thanh long ruột đỏ tràn đầy nhựa sống. Ước mơ làm giàu trên đắt cằn đá sỏi của ông Long và người dân Lập Thạch đã và đang thành hiện thực.

 
Theo Mai Liên (Báo Vĩnh Phúc)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập189
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại711,303
  • Tổng lượt truy cập90,774,696
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây