Quyết tâm chính trị này cũng đã được đưa ra HĐND huyện thảo luận tại 1 kỳ họp chuyên đề về xây dựng nông thôn mới và được đa số các đại biểu HĐND huyện đồng thuận. Quyết tâm đó cũng đã được các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chuyển tải đến đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân toàn huyện, tạo thành quyết tâm chung, sự đồng thuận chung trong toàn huyện.
Tuyến đường trung tâm xã Đồng Tiến (Cô Tô) đã được hoàn thành cứng hoá. |
Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay 2/2 xã của huyện Cô Tô (Thanh Lân và Đồng Tiến) đã cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Xã Thanh Lân đạt 19/19 tiêu chí với 39/39 nội dung. Xã Đồng Tiến đạt 19/19 tiêu chí với 38/39 nội dung, nội dung cuối cùng là xây dựng nghĩa trang nhân dân theo quy hoạch đang được triển khai. Các khó khăn về điện, nước, giao thông của Cô Tô đã được giải quyết dứt điểm. Trong 3 năm Cô Tô đã đầu tư nâng cấp, xây mới 12 hồ nước trên đảo, trong đó có hồ nước sạch sinh hoạt Trường Xuân trên đảo Cô Tô, hồ Chiến Thắng trên đảo Thanh Lân, thi công trên 30km đường ống dẫn nước sạch đến các khu dân cư, đã có 95% hộ dân trên các đảo của Cô Tô được sử dụng nước máy. Cơ cấu kinh tế của Cô Tô trong 3 năm qua đã có sự chuyển dịch nhanh chóng, từ một huyện nông nghiệp nghèo trở thành một trung tâm du lịch mới của tỉnh với lượng khách du lịch năm 2010 là 3.500 người, năm 2013 gần 60.000 người, tăng 17 lần trong 3 năm; đã có trên 30% lao động của huyện trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động dịch vụ du lịch. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của huyện tăng từ 12 triệu năm 2010 lên 22 triệu vào cuối năm 2013. Bộ mặt khu vực nông thôn của huyện có sự thay đổi nhanh chóng với 100% các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, ngõ xóm, kể cả ngõ vào từng nhà dân đã được bê tông hoá; 100% trường học đủ điều kiện công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 0,5% (chỉ còn 8 hộ nghèo).
Kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo đà cho sự phát triển chung của huyện đảo, tạo đà cho Cô Tô vững bước phát triển trong tương lai. Kinh nghiệm quý được Cô Tô rút ra sau 3 năm qua đó là: Bài học về quyết tâm, sáng tạo trong lãnh đạo chỉ đạo, về việc xác định đúng mục tiêu, lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện của địa phương, bài học về lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, về huy động nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Huyện Cô Tô xác định được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ là sự ghi nhận ban đầu, là nấc thang đầu tiên trên con đường phát triển của huyện đảo. Mục tiêu của huyện đảo Cô Tô trong giai đoạn tới là tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở một tầm cao mới, xây dựng Cô Tô trở thành một huyện điểm văn hoá nông thôn. Thời gian tới, Cô Tô xác định sẽ tập trung phát triển ngành hải sản, ngành kinh tế nền tảng của huyện. Năm 2014, huyện Cô Tô xác định trọng tâm công tác là năm “Hướng ra biển lớn” với nhiệm vụ trọng tâm là đưa Trung tâm hậu cần nghề cá trên địa bàn huyện vào hoạt động, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ để nơi đây thực sự trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất của cả khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ; tập trung chế biến sâu, phát triển một số thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm thuỷ hải sản như: Mực Cô Tô, cá duội Cô Tô, hải sâm, sứa, nước mắm…; hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất và di dân ra đảo Trần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh phát triển ngành hải sản, Cô Tô cũng sẽ tiếp tục phát triển du lịch dịch vụ để du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; phấn đấu đưa Cô Tô từng bước trở thành Trung tâm du lịch chất lượng cao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, một trong những trọng điểm về kinh tế biển trong chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước và tỉnh Quảng Ninh; đẩy mạnh việc chuyển dịch nền kinh tế của huyện sang hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch.
Thành Nguyễn
Nguồn: baoquanninh.com.vn