Ngành nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại nghịch lý. Một đất nước đông dân, diện tích đất canh tác tính trên đầu người rất thấp, nhưng người nông dân lại luôn nơm nớp nỗi lo về đầu ra cho nông sản, trong khi đó hàng năm vẫn phải bỏ ra hàng tỉ đô la Mỹ để nhập sản phẩm nông nghiệp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát và sau đó là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Những giải pháp được nêu ra là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, vật nuôi cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương. Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất... Đó cũng là những giải pháp đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Vấn đề là quyết tâm thực hiện.
Để có thể “nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững” ngành nông nghiệp, Chính phủ cần giải hai bài toán khó. Đầu tiên là phải kiểm soát cho được năng lực sản xuất và chủ động điều chỉnh theo tín hiệu thị trường, không để xảy ra tình trạng sản xuất thừa, nghĩa là xóa bỏ triệt để tình trạng chạy theo phong trào; cập nhật đầy đủ và kịp thời các thông tin dự báo về thị trường nông sản và tạo ra các kênh để nông dân có thể tiếp cận được, nhằm khắc phục tình trạng lúc giá lên mới đổ xô đi trồng và đến khi thu hoạch thì rớt giá.
Bài toán thứ hai nằm ở chất lượng sản phẩm bởi đây chính là chìa khóa để giải quyết các nhược điểm căn bản của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nếu chất lượng sản phẩm được coi trọng, vấn đề đầu ra cho nông sản không còn đáng lo như hiện nay: với hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết, nông sản Việt Nam đứng trước cơ hội thâm nhập các thị trường mới, rộng mênh mông. Các lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ minh họa cho khả năng đó.
Vai trò quản lý nhà nước ở khía cạnh này chính là đặt ra các chuẩn mực chất lượng để buộc tuân thủ. Trong khi ở các nước nổi lên phong trào sản xuất thức ăn gần với thiên nhiên, không dùng hóa chất... thì an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam vẫn là nỗi lo hàng đầu. Nếu không chú trọng đến vấn đề chất lượng, rồi đây dân Việt Nam sẽ đua nhau ăn gạo Thái, táo Úc, nho Mỹ, thịt bò Úc... và lúc đó càng khó giải quyết được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
theo thesaigontimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã