Tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ là rất lớn, bởi đây đang là xu hướng của thế giới. Nếu các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội thì sẽ đem về nguồn lợi không nhỏ là những nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp organic Việt Nam - Xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức tại TP.HCM vừa qua.
Tiềm năng xuất khẩu rất lớn
Trong hơn 10 năm qua, ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (hay còn được gọi là thực phẩm organic) đã có một đội ngũ tiên phong dám dấn thân vào nghiên cứu và sản xuất một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam đó là thực phẩm hữu cơ. Những cá nhân tiên phong đầu tiên đó phải nhắc tới như TS Nguyễn Bá Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Organik Đà Lạt; ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú... Họ đã góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch cho cộng đồng và đóng góp những viên gạch đầu tiên nền móng cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Cũng theo đội ngũ những người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì tiềm năng trong lĩnh vực này là rất lớn. Theo ông Nguyễn Bá Hùng thì nhu cầu thực phẩm hữu cơ của nhiều nước trên thế giới đang rất lớn và đây là cơ hội xuất khẩu tốt cho các công ty trong nước. “Và nếu đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu thực phẩm hữu cơ thì sẽ mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn cho các doanh nghiệp. Ví dụ, đối tác Việt Nam đáp ứng đủ số lượng của khách hàng ngoại thì 1 ha rau có thể thu về 500.000-1 triệu USD” - ông Hùng khẳng định.
TS Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú, cho biết: “Tới đây sẽ có khoảng bảy đối tác đến từ Nhật làm việc với chúng tôi để cùng bàn việc hợp tác phát triển sản phẩm hữu cơ. Họ cũng đã lên kế hoạch triển khai quảng bá, marketing sản phẩm hữu cơ Việt tại Nhật”.
Công ty TNHH Hưng Thịnh (Tây Ninh) cho hay đã hợp tác với một công ty của Đức để nuôi cá và tôm hữu cơ xuất sang nước này. Đáng chú ý, đại diện một tập đoàn của Thái Lan cũng đang có kế hoạch nhập khẩu sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam.
Tuy đơn hàng thì nhiều nhưng hiện các công ty và các trang trại của Việt Nam vẫn không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Ngay bản thân ông Hùng cũng thừa nhận, chính công ty ông cũng không đáp ứng đủ các đơn hàng xuất khẩu cho các nước, vì diện tích nuôi trồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ hiện nay chưa nhiều.
Doanh nghiệp nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn vì nó được hình thành trên một nền nông nghiệp manh mún. Theo TS Hùng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, cụ thể: Số lượng hàng hóa không đủ lớn để xuất khẩu; sản phẩm hàng hóa không đa dạng; cuối cùng là không có khả năng cung cấp hàng hóa đều đặn suốt cả năm.
Và một tín hiệu đáng mừng là ngay tại hội thảo, nhiều đối tác đến từ Nhật, Đức, Liên minh châu Âu (EU)... đã ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ các công ty Việt.
Đứng trước những cơ hội mới tạo đà cho nền nông nghiệp hữu cơ phát triển, ông Lê Thành, Chủ tịch Công ty Organic Life, đơn vị tổ chức sự kiện đặc biệt nhấn mạnh các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hữu cơ nên bắt tay nhau, tạo nên thế mạnh vững chắc để có thể đa dạng hóa các sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Các chuyên gia đánh giá tiềm năng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam là rất lớn.
Làm gì để nền nông nghiệp hữu cơ ngày một lớn mạnh
Vừa qua, thì những người làm trong lĩnh vực hữu cơ vừa đón nhận một tin vui khi Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ và các công ty, đã xây dựng mô hình “Ngôi nhà Organic - thực phẩm hữu cơ”. Mô hình này sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính như liên kết, sản xuất và tiêu thụ, ký kết với các thị trường quốc tế, đặt hàng xuất khẩu”, ông Thành chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Thành thì các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất mong đợi Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; giúp các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận được các nguồn vốn viện trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), các nguồn vốn ODA từ các quốc gia khác; xác định và công bố những vùng/khu vực nào thích hợp để trồng nông sản hữu cơ. "Với bản đồ xác định rõ ràng như vậy, chúng tôi có thể dễ dàng chứng minh với các đối tác trên thế giới về năng lực cung cấp của Việt Nam", ông Thành chia sẻ.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, TS Võ Minh Khải kiến nghị: Nhà nước cần xây dựng chính sách quốc gia về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Chính sách này bao gồm đất đai, về tín dụng, thuế và thị trường. Vì làm nông nghiệp hữu cơ cần có giai đoạn chuyển đổi trung bình là 3 năm nên phải cho doanh nghiệp vay vốn dài hạn hơn và lãi suất thấp hơn các hình thức vay vốn thông thường.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp hữu cơ không phải là thách thức vì chúng ta đã có nhưng chưa hoàn chỉnh. Trong quá trình phát triển cái nào thiếu chúng ta sẽ bổ sung, cái nào chưa có sẽ đề xuất chính sách mới. Chúng ta sẽ sẵn sàng ngồi lại với doanh nghiệp để cùng nhau tìm cách thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hữu cơ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, tới đây bộ này sẽ cùng Bộ KH-CN thành lập một tổ công tác chuyên hỗ trợ, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tổ công tác sẽ đến từng công ty, trang trại để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc để từ đó có các giải pháp tháo gỡ phù hợp.
“Ngoài ra, sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện chuyến công tác qua các nước châu Âu, Nhật Bản... để tìm kiếm đối tác, qua đó nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương có sản xuất nông nghiệp hữu cơ” - Thứ trưởng Nam cho hay.
Hiện nay người tiêu dùng cũng có thể mua thực phẩm hữu cơ qua mạng hoặc ở siêu thị Co.opmart. Bởi ngay tại hội thảo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc của Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood) cho biết, Saigon Co.op sẽ chủ động liên kết hợp tác, ứng vốn, phối hợp cùng các nhà cung cấp chiến lược tiếp thị sản phẩm hữu cơ chất lượng cao đến khách hàng trên toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Riêng tại mỗi siêu thị, Saigon Co.op sẽ dành một khu vực nhận diện dành riêng cho các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao.
Mai Thoa
theo Người Tiêu Dùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã