Nằm trong chuỗi sự kiện, Điểm kết nối cung cầu công nghệ Cần Thơ đã được khai trương, trở thành Điểm kết nối cung cầu công nghệ thứ 7 trên cả nước. Đây được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, khu vực kinh tế hợp tác, HTX nói chung.
Hoạt động Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ năm nay là bước đi thiết thực của Bộ KH&CN trong việc hiện thực hóa những chính sách lớn để khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Cơ hội phát triển cho KTHT, HTX
Phát biểu tại Hội nghị về hoạt động các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN năm 2018 tại Cần Thơ, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng đây là cơ hội tốt để Liên minh HTX Việt Nam nắm bắt thông tin về hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ mà Bộ KH&CN, Cục Ứng dụng và chuyển giao công nghệ thực hiện.
Hoạt động của HTX ngày càng tập trung với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường về cả năng suất và chất lượng. Việc ứng dụng, đổi mới chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất là rất quan trọng với khu vực KTHT, HTX.
Hiện nay, khu vực KTHT, HTX rất năng động với ngày càng nhiều cán bộ trẻ tham gia mô hình kinh tế HTX. Số lượng HTX hàng năm tăng, thu nhập thành viên, đóng góp GDP cho sự nghiệp phát triển kinh tế cả nước. Liên minh HTX Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho các HTX tổ chức sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tham quan điểm kết nối cung cầu công nghệ Cần Thơ |
Kỳ vọng vào điểm kết nối mới
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Bộ KH&CN, Cục Ứng dụng và chuyển giao công nghệ, các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cho khu vực KTHT, HTX để cùng nhau góp phần phát triển kinh tế HTX…
Điểm kết nối cung cầu Cần Thơ có nhiệm vụ điều tra, khảo sát, thu thập, đánh giá về nhu cầu và nguồn cung công nghệ. Bước đầu, các phương tiện được kết nối với hệ thống internet tốc độ cao để thực hiện tư vấn trực tuyến; hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu kết nối đội ngũ chuyên gia tư vấn với hơn 200 chuyên gia đến từ các viện, trường… đã được trang bị đầy đủ.
Điểm kết nối đi vào hoạt động sẽ lan tỏa và kết nối hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, đưa nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) mới vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, đặc biệt là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra.
Từ thực tế của các đơn vị, các chuyên gia sẽ tổ chức tư vấn để doanh nghiệp lựa chọn công nghệ phù hợp. Nếu đơn vị có nhu cầu về tài chính, các chuyên gia cũng sẽ tư vấn, kết nối đầu tư tài chính. Hoạt động này có thể thực hiện trực tuyến hoặc tùy theo nhu cầu thực tế.
Trước đó đã có 6 điểm kết nối cung cầu công nghệ được vận hành gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội (2 điểm), Phú Yên, Nghệ An, Đăk Lăk. Thông qua điểm kết nối cung cầu này, các khóa đào tạo về kỹ năng đàm phán chuyển giao, mua bán công nghệ; kỹ năng quản lý công nghệ trong doanh nghiệp sẽ được tổ chức. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển.
Hà Xuyên/https://thoibaokinhdoanh.vn