Theo thông tin tại diễn đàn “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới” diễn ra ngày 23-8 tại Hà Nội, mục tiêu hàng đầu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhằm tạo cho kinh tế nông thôn phát triển nhanh, đời sống nông dân được cải thiện.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, để biến những mục tiêu tốt đẹp của chương trình thành hiện thực, mọi nguồn lực cần được huy động một cách hiệu quả, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp vào khu vực này song kết quả chưa được như mong đợi.
Theo chủ trương ban đầu, 40% nguồn vốn thực hiện chương trình sẽ được huy động từ ngân sách nhà nước, 20% từ doanh nghiệp – hợp tác xã và chỉ 10% do người dân đóng góp nhưng thực tế trong ba năm qua, nhà nước vẫn đóng góp phần lớn, chiếm 50%, người dân phải đóng từ 15-20% trong khi doanh nghiệp mới chỉ đóng góp 5%.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông thôn còn rất hạn chế, nhiều rủi ro, giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp hàng hóa (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) còn thấp. Hiện nay số lượng doanh nghiệp ở khu vực nông thôn chiếm khoảng trên 30% tổng số doanh nghiệp mà thường có quy mô nhỏ hơn và lợi nhuận thấp hơn.
“Điều này phản ánh các chính sách khuyến khích đầu tư khu vực nông thôn chưa phát huy được tác dụng hoặc mức độ tác động của các chính sách này chưa lớn, chưa thực sự hiệu quả”, bà Hằng nói.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn để giúp các doanh nghiệp nông nghiệp yên tâm đầu tư. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có đặc điểm là phải gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, doanh nghiệp phải gắn kết với nông dân, các tổ chức của nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Vì thế, các chính sách phải đảm bảo cho các đối tác này có được sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Ngô Kiều Oanh, Giám đốc công ty Tư vấn đầu tư và chuyển giao khoa học công nghệ (ATC Việt Nam), đề nghị cần có một hệ thống thông tin điện tử hay còn gọi là cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về nông nghiệp, nông thôn và nông dân với các thông tin thật sự chất lượng để giúp các doanh nghiệp định hướng chính xác chiến lược đầu tư cũng như tạo tiền đề để hấp dẫn và thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nên cho doanh nghiệp tham gia vào việc đánh giá thẩm định tính kinh tế, tính thực tiễn của các đề tài khi xây dựng và qua việc ứng dụng trên thực tế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã