Ông Nguyễn Quý Dương - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, đơn vị đã theo dõi xu hướng và dự báo sớm về các thị trường nhập khẩu; xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn sản xuất hồ tiêu bền vững; xây dựng phần mềm di động tích hợp dữ liệu về các sản phẩm hóa chất nông nghiệp sử dụng trong canh tác hồ tiêu; cùng với đó là tập huấn cho trên 126 nghìn nông dân.
Cơ chế liên kết giữa DN với nông dân còn lỏng lẻo |
Cùng với việc đẩy mạnh thu hút các DN nước ngoài tham gia chuỗi, định hướng của Bộ NN&PTNT là thu hút thêm các DN trong nước với vai trò dẫn dắt thị trường. Đây là một trong những giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành hồ tiêu Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, việc thu hút DN trong nước đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) trong ngành hàng này không dễ, hiện vẫn rất ít DN nội đầu tư vào đây. Nguyên nhân là do chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, DN vẫn phải tự đi tìm hiểu để rồi tự liên kết với nông dân.
Hiện nay, diện tích hồ tiêu đã phát triển gấp 3 lần diện tích quy hoạch, dẫn đến nguồn cung tăng, giá tiêu giảm mạnh. “Điều này càng đòi hỏi có sự liên kết, chia sẻ của DN trong việc chăm sóc vườn cây, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng”, ông Nguyễn Quý Dương thừa nhận.
Theo ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thời gian qua, Cục đã kết nối DN cùng hợp tác với các cơ quan áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng khoai tây tại các tỉnh Lâm Đồng, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Mô hình sản xuất khoai tây do công ty Pepsico Việt Nam thực hiện giúp năng suất tăng từ 7-8 tấn/ha năm 2007 lên 22 tấn/ha năm 2017, diện tích dự án từ 55ha năm 2010 lên 455ha năm 2017, số hộ được công ty hỗ trợ đạt 580 hộ... Tuy nhiên, quy mô dự án thí điểm trên khoai tây rất nhỏ, chưa mở rộng được diện tích ở các tỉnh khác và thu hút được nhiều DN tham gia.
PPP trong lĩnh vực nông nghiệp là hình thức đầu tư được thực hiện giữa Nhà nước với DN để xây dựng cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, DN đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững. Để đẩy mạnh PPP, ông Nguyễn Quý Dương cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp hiệu quả với địa phương.
Còn ngành rau quả đang có tiềm năng phát triển với giá trị xuất khẩu không ngừng tăng mạnh. Chính vì vậy, việc huy động thêm DN và nhà đầu tư trong nước, đặc biệt các đối tác liên quan tới sản xuất và chế biến trái cây, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao như Central Group, Đồng Giao, Tập đoàn TH, Lavifood, FineFruit... vào nhóm ngành hàng rau quả là nhiệm vụ cần phải đẩy mạnh.
Ông Đức chia sẻ, thời gian tới, cần lựa chọn một số DN liên kết với các tổ nhóm nông dân, HTX xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất với chế biến, chuỗi lạnh, logistics cho các sản phẩm chiến lược, lấy đây làm cơ sở để nhân rộng ra các sản phẩm và các địa phương khác. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin cho ngành rau quả với các thông tin như thị trường, môi trường đầu tư, hồ sơ DN tiềm năng và các chính sách ưu đãi trong ngành, xây dựng cơ chế hỗ trợ kết nối giữa các đối tác trong ngành rau quả.
Thực tế cho thấy, sự tham gia vào chuỗi liên kết, nhóm ngành hàng của các DN trong nước vẫn còn ít. Đa số DN đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, mở rộng vùng liên kết. Trong khi đó, cơ chế liên kết giữa DN với nông dân còn lỏng lẻo. Để đầu tư một hệ thống sản xuất chế biến đã rất khó khăn, tốn kém, nếu đầu vào không ổn định thì DN không thể yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Khẳng định lực lượng chủ lực là DN, nhưng chỉ một mình khu vực tư nhân thì không làm được nổi, mà cần có sự vào cuộc rốt ráo hơn của khu vực công, từ cấp bộ cho tới địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ.
Hồng Hạnh/http://thoibaonganhang.vn