Năm nay do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, sản lượng thấp, giá bán khả năng tăng hơn 15 - 20%.
Nhiều năm qua ai cũng biết đến bưởi hồ lô xuất hiện trong dịp Tết để làm quà biếu hay trưng cúng trong nhà đặc biệt trong 3 ngày Tết. Ông Võ Trung Thành, chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) bưởi tạo hình, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành - Hậu Giang, là "cha đẻ” tạo hình bưởi hồ lô, làm tăng giá trị sản phẩm gấp chục lần so với SX thông thường.
Ông Võ Trung Thành, chủ nhiệm CLB bưởi tạo hình bên sản phẩm bưởi hồ lô
CLB sản xuất trái cây tạo hình có hàng chục thành viên, mỗi năm cung ứng khoảng 10.000 trái bưởi hồ lô, nhưng dự kiến năm nay sản lượng giảm xuống chỉ còn khoảng 2.000 trái, giá bán sẽ tăng khoảng 15% so với năm rồi.
Ông Thành cho biết, sản lượng bưởi tạo hình cung cấp Tết năm nay gặp khó bởi yếu tố thời tiết, phần nữa còn do bưởi của nhà vườn đã khai thác nhiều năm bị lão hóa, sâu bệnh, năng suất giảm nên các thành viên trong CLB buộc phải phá bỏ trồng mới lại và dự kiến 3 năm sau mới cho trái để tạo hình.
Để có sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết, hiện tại các thành viên đã phải tìm đến các tỉnh trong vùng để hợp tác với các nhà vườn trồng bưởi Năm Roi sản xuất bưởi tạo hình. Tết năm ngoái sản phẩm được tạo hình bản đồ Việt Nam bán rất chạy, thậm chí nhiều người đặt hàng mua với giá khoảng 2,5 - 2,6 triệu đồng/cặp (mỗi trái nặng từ 1,2 - 1,5 kg) vẫn không có hàng để bán.
“Nhưng Tết Đinh Dậu năm 2017 do bị ảnh hưởng thời tiết nên mặt hàng bưởi bản đồ Việt Nam khó làm, cả CLB bưởi tạo hình chỉ có vài cặp cho hình dáng đẹp”, ông Thành nói.
Là thành viên CLB bưởi tạo hình, Tết năm nay nhà vườn Võ Hồng Quốc, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) lần đầu tiên cung cấp cho thị trường khoảng 200 cặp đào tiên với nhiều kiểu dáng như đào tiên hồ lô, đào tiên Tài Lộc và đào tiên hình bản đồ Việt Nam với giá mỗi cặp từ 600.000 - 1.000.000 đồng (bình quân mỗi trái nặng từ 1,2 - 1,5kg).
Ông Quốc cho biết, đào tiên là cây dễ trồng, thích nghi các vùng đất ở ĐBSCL, trồng 3 - 4 năm bắt đầu cho trái bói. Để tạo hình đào tiên hồ lô trước hết chọn những trái bóng đẹp, tròn, cho vào khuôn. Thông thường mất 5 - 6 tháng trái tạo hình hồ lô hoàn chỉnh có thể cho thu hoạch. Hiện tại vườn đào tiên của ông trong giai đoạn tạo hình ở tháng thứ 3, dự kiến thu hoạch vào 20 Tết. Với 100 cây đào tiên nói trên sau khi trừ hết chi phí dự kiến lãi khoảng 120 triệu đồng.
Còn nhà vườn Trần Thanh Liêm, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho hay, năm nay nước rút trễ hơn mọi năm, ảnh hưởng đến việc xuống giống vườn dưa hấu tạo hình. Ông Liêm trồng 8 công dưa, nếu thời tiết thuận lợi, ông tung ra thị trường khoảng 700 cặp dưa hấu Tài - Lộc trưng Tết, thấp hơn nhiều so với mọi năm.
Về giá cả, ông Liêm cho biết không thay đổi so với năm rồi dù dưa hút hàng. Vụ dưa này, ông chỉ thay đổi mẫu chữ trên mỗi trái dưa cho đẹp hơn và vẫn giữ nội dung truyền thống “Tài - Lộc”. Cụ thể, đối với dưa hấu hình thỏi vàng sẽ được phân loại theo trọng lượng: 1,2kg; 1,3 - 1,4kg và từ 1,5kg trở lên.
Tết năm nay vùng trồng xoài nổi tiếng Đồng Tháp được nông dân sáng kiến khắc chữ trên trái “VẠN SỰ NHƯ Ý”. Anh Huỳnh Thanh Khoa ở xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, cho biết: Để tăng giá trị sản phẩm từ quả xoài, tôi đưa ra ý tưởng khắc chữ trên trái bán trong mùa Tết (giá khoảng 300.000 đ/trái). Năm nay, tôi cùng các thành viên trong Hội làm vườn xã ước tính sẽ khắc chữ lên 5.000 trái xoài.
Cũng tại Đồng Tháp, năm thứ 4 loại kiểng quýt hồng cho vào chậu để phục vụ trưng Tết được nhiều người chấp nhận, nên sản lượng SX bao nhiêu cũng không đủ đáp ứng cho thị trường. Người cho ý tưởng đầu tiên đưa quýt hồng vào chậu chính là lão nông Lưu Văn Ràng, ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung. Năm nay gia đình ông Ràng tuyển chọn khoảng 450 - 500 cây đẹp đưa vào chậu để phục vụ trong dịp Tết, giá bán dao động từ 1,5 - 5 triệu đồng/cây.
Tết năm nay quýt hồng cho vào chậu giá bán từ 1,5 - 5 triệu đồng/cây