Nòng cốt xây dựng nông thôn mới
Một trong những tiêu chí để hoàn thành xây dựng nông thôn mới là nước sạch nông thôn, nhưng nhiều năm qua do thiếu nguồn vốn xây dựng nên tại nhiều địa phương, đây vẫn là vấn đề hết sức nan giải. Ðơn cử tại Thái Bình, trong vòng 10 năm (2000 - 2011), toàn tỉnh mới có bốn công trình nước sạch do doanh nghiệp (DN) đầu tư theo quy mô liên thôn. Từ năm 2012, tỉnh xác định bước đi cụ thể cho vấn đề này, theo đó ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích DN tư nhân tham gia đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng thương mại, nhất là Agribank, trong việc cho vay vốn xây dựng công trình cung cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn. Công trình nước sạch tại xã Ðông Xuân (huyện Ðông Hưng) do DN tư nhân Công ty TNHH thương mại Ðỗ Gia Bảo xây dựng, đã được Agribank huyện cho vay tám tỷ đồng (trong tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng). Ði vào hoạt động từ tháng 3-2014, nhà máy đang cung cấp nước cho khu công nghiệp Xuân Quang và hàng nghìn hộ gia đình của sáu xã lân cận. Theo Giám đốc công ty Ðỗ Ðức Uyển, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân cao nên việc thu hồi vốn khá nhanh. Ðến nay, nhà máy đã ký lắp đặt với 3.350 hộ dân, chi phí ban đầu mỗi hộ 2,5 triệu đồng. "Giá nước quy định 7.450 đồng/m3, nhưng với tinh thần vừa kinh doanh vừa phục vụ người dân, trong năm đầu DN chỉ thu 7.000 đồng/m3", ông Uyển cho biết. DN này cũng đang tiếp tục đầu tư nhà máy nước sạch tại huyện Vũ Thư và làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng thêm nhà máy tại huyện Ðông Hưng theo quy mô cụm xã để phấn đấu 100% số dân trong huyện Ðông Hưng được sử dụng nước sạch vào cuối năm 2015.
Theo Giám đốc Agribank huyện Ðông Hưng Nguyễn Mạnh Tường, đến nay chi nhánh đã cho ba DN khác vay vốn để xây dựng nhà máy nước trên địa bàn huyện, trung bình mỗi nhà máy có công suất 5.000 m3/ngày đêm. "Chúng tôi hỗ trợ vốn cho dự án nhà máy nước với mong muốn đồng hành DN để bà con có chất lượng cuộc sống tốt hơn" - ông Tường chia sẻ. Agribank cũng cho các hộ vay vốn xây dựng công trình nước sạch gia đình và thiết bị, vật tư nối nước sạch từ trục chính vào nhà. Ở Ðông Hưng đã có 60% số người dân được sử dụng nước sạch.
Dồn vốn cho "tam nông"
Theo số liệu từ Agribank, đến cuối năm 2014, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 763 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11% so năm 2013. Tổng nguồn vốn đạt hơn 690 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so cuối năm 2013; trong đó, tiền gửi dân cư tăng trưởng tốt, chiếm tỷ trọng 78,4% vốn huy động. Nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định đã đáp ứng đủ, kịp thời, phù hợp nhu cầu hoạt động kinh doanh. Cơ cấu vốn được chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng vốn ổn định, vốn trung dài hạn theo Ðề án tái cơ cấu, lãi suất đầu vào giảm dần, tăng hiệu quả kinh doanh. Theo Chủ tịch HÐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh, mặc dù phải trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, vừa đảm đương hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngân hàng thương mại Nhà nước trong thực thi chính sách tiền tệ, vừa chịu sức ép cạnh tranh gay gắt, song kết quả mà Agribank đạt được trong năm vừa qua rất đáng ghi nhận. Sang năm nay, Agribank tiếp tục bám sát chỉ đạo, mục tiêu của NHNN, tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án tái cơ cấu theo đề án được Thống đốc NHNN phê duyệt nhằm xây dựng Agribank thành ngân hàng hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, giữ vị trí chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh, giảm nợ xấu, lành mạnh hóa và cải thiện khả năng tài chính. Nhằm triển khai thành công Ðề án tái cơ cấu, đến hết năm 2015, Agribank đặt mục tiêu tập trung cho vay lĩnh vực "tam nông", xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 80% dư nợ; tăng vốn tự có, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động, nợ xấu dưới 3%.
Thực hiện Nghị quyết 26/NQ-T.Ư (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là ngân hàng thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng cho "tam nông", nhiều năm qua, Agribank dồn vốn chủ yếu cho lĩnh vực này. Hết năm 2014, tổng dư nợ cho vay (bao gồm ngoại tệ quy đổi) đạt 605.324 tỷ đồng, tăng 8,8%; dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn duy trì tăng trưởng, đạt 411.295 tỷ đồng, tăng 32.310 tỷ đồng (tương đương 8,5%) so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 74,3%/tổng dư nợ. Riêng dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tăng 39.972 tỷ đồng, tốc độ tăng 13,4%, tương đương tốc độ tăng trưởng dư nợ toàn ngành ngân hàng năm 2014, tiếp tục là tổ chức tín dụng dẫn đầu về cho vay xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, hiệu quả nguồn vốn Agribank đầu tư cho "tam nông" đã được thể hiện rõ nét, giúp cơ cấu kinh tế nông nghiệp từng địa phương có bước chuyển biến khá mạnh, là điều kiện tiên quyết chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Nhiều hộ gia đình, kể cả các hộ ở vùng sâu, vùng xa, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo cơ chế ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, tạo nhiều công ăn việc làm, hạn chế tối đa tình trạng nông nhàn.
Ðánh giá về kết quả hoạt động của Agribank, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh ghi nhận: Năm 2014 Agribank nghiêm túc triển khai Ðề án tái cơ cấu, dần lấy lại uy tín đối với thị trường, với lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, người dân cũng như cán bộ trong hệ thống, tiếp tục là lực lượng nòng cốt, dẫn dắt thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã