Học tập đạo đức HCM

Dân vận khéo để xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 02/01/2017 21:08
Từng là một tỉnh nghèo của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Ninh Bình đạt tăng trưởng cao, phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển. Với các mô hình dân vận khéo, nhiều năm qua tỉnh Ninh Bình đã phát huy được vai trò của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tạo nền tảng giữ vững ổn định xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Dòng họ tự quản, đảng viên bám hộ

Mặc dù ở huyện Yên Mô sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ đạo, nhưng đã có lúc nhiều vấn đề xã hội trên địa bàn diễn ra khá nóng bỏng, thu hút sự quan tâm lớn của người dân. Được biết, nhiều năm qua, công tác dân vận của huyện đã đi thẳng vào những vấn đề gay cấn như phòng, chống ma túy, giải phóng mặt bằng, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Cách làm và hiệu quả công tác dân vận của Yên Mô trở thành điển hình của tỉnh Ninh Bình, được báo cáo tại Hội nghị dân vận toàn quốc.

Về phòng, chống ma túy, huyện Yên Mô được Bộ Công an khen thưởng, đánh giá là “địa bàn không có ma túy”. 5 năm liền, tất cả các xã ở Yên Mô không có người nghiện mới là người địa phương, chỉ phát hiện bảy người nghiện ma túy mới từ nơi khác chuyển đến, những người này được địa phương quản lý chặt chẽ và được giáo dục, động viên để cai nghiện. Chúng tôi có dịp khảo sát nhiều mô hình dân vận khéo hiệu quả như: Các xã Yên Thành, Yên Thái, Yên Từ, Yên Phong, Yên Phú gắn hoạt động phòng, chống ma túy với xóa đói, giảm nghèo, cảm hóa người lầm lỗi, xây dựng thôn, xóm bình yên. Nơi đây, người nghiện ma túy không bị cộng đồng xa lánh, mà còn được cán bộ xã, thôn động viên, giúp tìm công ăn việc làm. Đặc biệt, mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” trong toàn huyện phát huy hiệu quả cao. Theo đó, nhiều năm qua các dòng họ tại các làng, xã thi đua trong giáo dục đạo đức, giữ gìn gia phong, xây dựng lối sống văn minh. Người cùng dòng họ được kiểm tra, giám sát theo quy ước nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện, lối sống lệch chuẩn, sai trái. Các tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự đã phát hiện được nhiều đối tượng lạ và những dấu hiệu khác thường. Phó Bí thư Huyện ủy Đỗ Trọng Luận trao đổi kinh nghiệm cho thấy, cấp ủy các cấp cần xác định rõ trách nhiệm của từng cấp ủy viên đối với công tác dân vận. Phương châm là nơi nào khó, việc nào khó thì cán bộ dân vận, cán bộ đảng phải bắt tay vào làm.

Các chi bộ thôn, xóm trong huyện phân công nhiệm vụ cho mỗi đảng viên phụ trách từ 10 đến 15 hộ, tạo thành nền nếp hằng tháng, đảng viên phải báo cáo với chi bộ tình hình các hộ được giao phụ trách. Nếu các hộ được giao phụ trách vi phạm trật tự xã hội hoặc vướng vào tệ nạn ma túy thì đảng viên đó không hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ duy trì mô hình “Đảng viên phụ trách hộ”, trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên và chính quyền cơ sở được khẳng định rõ hơn.

Tại huyện Hoa Lư, một trọng điểm phát triển kinh tế - du lịch tỉnh Ninh Bình, công tác dân vận đã phát huy hiệu quả, "khai thông" vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Cường cho biết: Từ những mô hình dân vận khéo, xã Ninh Giang đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa phù hợp với quy hoạch, tổ chức lại sản xuất. Xã Trường Yên xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn. Cũng do làm tốt công tác dân vận, người dân trong huyện đã hiến gần 50 nghìn m2 đất cho các công trình công cộng, đóng góp nhiều ngày công và gần 70 tỷ đồng. Từ dân vận khéo tại các xã, con em quê hương đi làm ăn xa đã đóng góp hàng chục tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Nhờ cách chỉ đạo quyết liệt, kết hợp giữa vận động nhân dân với tăng cường đầu tư, kịp thời tăng cường cán bộ cho các nơi yếu, cuối năm 2016, huyện Hoa Lư đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Mô hình dân vận khéo đã và đang lan tỏa khắp các địa phương, các ngành nghề, lĩnh vực trong tỉnh. Công an tỉnh xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên, khu dân cư an toàn” tại giáo xứ Áng Sơn, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức đối thoại, tư vấn trợ giúp pháp lý tại tám cơ sở trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Hội Phụ nữ xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn có mô hình “Ánh sáng an ninh” tại xóm 5… Các doanh nghiệp cũng rất hào hứng với phong trào này, đóng góp xây dựng các nhà văn hóa, hỗ trợ xi-măng để các thôn, xóm làm đường giao thông. Số tiền các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nông thôn mới lên đến 1.128 tỷ đồng. Năm 2016, toàn tỉnh đã xây dựng được 210 mô hình “dân vận khéo” trong các lĩnh vực, trong đó có 105 mô hình về phát triển kinh tế; 56 mô hình về văn hóa, xã hội; 32 mô hình về bảo đảm an ninh quốc phòng; 17 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị.

Đến nay, tỉnh Ninh Bình có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 51% tổng số xã trong tỉnh. Hầu hết các xã đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Người dân tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí, hiến đất, ủng hộ tiền, vật liệu, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong suốt quá trình tổ chức các hoạt động xây dựng nông thôn mới, triển khai các công trình, dự án, trên địa bàn tỉnh không phát sinh điểm nóng, không có khiếu kiện đông người. Công tác dân vận khéo đã phát huy được tính tích cực, chủ động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể, hội quần chúng, từ đó xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh từ thôn, xóm, khu dân cư.

Nội lực từ làng, xã

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nhiều mô hình dân vận khéo hiệu quả được duy trì và nhân rộng, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Cấp ủy giao nhiệm vụ thực hiện mô hình dân vận khéo cho tất cả các ngành, các tổ chức, cơ quan, định kỳ báo cáo ban chỉ đạo dân vận khéo các cấp. Do đó, các ngành, đoàn thể đều phải tìm tòi cách làm phù hợp để thể hiện vai trò của mình. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thành công mô hình vận động nhân dân tích tụ ruộng đất để chuyển đổi sản xuất chuyên canh cây ăn quả. Hội Nông dân tỉnh vận động nông dân trồng khảo nghiệm 1,5 ha cây cam Cao Phong trên vùng đất đồi tại xã Phú Long, huyện Nho Quan. Xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh vận động nhân dân sản xuất 86 ha lúa giống, lúa chất lượng cao. Xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình vận động nhân dân trồng hoa cao cấp. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh vận động xây dựng 17 nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo, trị giá 850 triệu đồng; huyện Kim Sơn vận động nhân dân tham gia xây dựng 11 nhà văn hóa xóm; Tỉnh đoàn xây dựng mô hình “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”. Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai mô hình “Hãy làm sạch biển”...

Một số mô hình, cách làm dân vận khéo của cơ quan quản lý nhà nước đã hướng vào những việc khó, như vận động nhân dân nhận bồi thường dự án đường cao tốc của Phòng Công thương huyện Yên Khánh. Trong dự án này, chính quyền đã làm công tác thuyết phục, vận động gần 500 hộ gia đình bị ảnh hưởng tự tháo dỡ nhà, vật kiến trúc. Năm hộ gia đình đã tự nguyện di dời mộ mới hung táng (chưa được một năm) để bàn giao mặt bằng trước thời gian cho đơn vị thi công dự án đường cao tốc qua địa bàn xã Khánh Hòa. Huyện Kim Sơn phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo cùng phối hợp vận động 11 hộ dân xã Ân Hòa tự nguyện chấp hành giải phóng mặt bằng phục vụ cải tạo nâng cấp quốc lộ 10. Một số hoạt động dân vận khéo thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, có tính xã hội hóa cao, hiệu ứng xã hội tích cực. Tiêu biểu là mô hình vận động nhân dân xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh gieo sạ lúa trên diện tích 605 ha, so với cấy lúa tiết kiệm gần 10 triệu đồng mỗi héc-ta. Xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn vận động phụ nữ liên kết sản xuất chiếu cói bằng máy. Mô hình "Xử lý rác thải tại hộ gia đình" ở xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn có hiệu quả tốt, đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ nhân rộng ra 22 thôn thuộc chín xã của năm huyện, thành phố trong tỉnh.

Tỉnh Ninh Bình có rất nhiều dự án đã và đang được triển khai, yêu cầu nghiêm ngặt về tiến độ giải phóng mặt bằng, bồi thường đất đai, mà quá trình tiến hành đã không phát sinh điểm “nóng”. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm khá tốt, một số địa phương đạt tiêu biểu về an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn ma túy. Mục tiêu của Ninh Bình là vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng cao, nhưng bảo đảm hài hòa với yếu tố xã hội với ổn định từ cơ sở. Kinh nghiệm để Ninh Bình đạt được mục tiêu này chính là nhờ công tác dân vận trên địa bàn đã được tổ chức khoa học, rộng khắp, huy động đông đảo các lực lượng xã hội tham gia. Nhờ môi trường an ninh trật tự và môi trường đầu tư được cải thiện, mười năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tạo được bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ một tỉnh nghèo của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đến nay, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của tỉnh tăng trưởng cao. Tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2016 đạt hơn 5.653 tỷ đồng, trong năm đã đón tám triệu lượt khách du lịch.

Nhiều năm liền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo công tác dân vận với nhiều giải pháp đồng bộ và đổi mới. Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Mai Văn Tuất cho biết: Các mô hình dân vận khéo được xây dựng ở tất cả các lĩnh vực, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị. Phong trào còn thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các tổ chức và cá nhân. Ban chỉ đạo các cấp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hiệu quả, tập huấn kỹ năng, quy trình xây dựng mô hình dân vận khéo cho cán bộ dân vận và đoàn thể ở cơ sở.

Khảo sát trên địa bàn tỉnh cho thấy ban chỉ đạo công tác dân vận được thành lập ở tất cả các cấp tỉnh, huyện, xã, do đồng chí phó bí thư cấp ủy làm trưởng ban. Tỉnh đã thí điểm thành lập tổ dân vận đến tận thôn, xóm, phố; riêng huyện Yên Mô mỗi xã, thị trấn thành lập một tổ dân vận thôn, xóm. Có thể khẳng định, công tác dân vận của tỉnh Ninh Bình hiệu quả nhờ bám sát thực tiễn đời sống cơ sở, đi sâu vào những việc khó, việc mới cùng với xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp ủy viên.

Theo LÊ MẬU LÂM và HÀ HỒNG HÀ/nhandan.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập281
  • Hôm nay73,866
  • Tháng hiện tại778,979
  • Tổng lượt truy cập90,842,372
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây