Nghề đan mây tre thu hút đông lao động nông nhàn - Ảnh: Báo Quảng Nam
Tại diễn đàn Quốc Hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Nếu không công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thì không thể có công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Nông dân hiện chiếm hơn 73% dân số và chiếm tới 50% lực lượng lao động cả nước, thế nhưng nhiều vùng nông thôn vẫn còn nghèo, do giá trị canh tác lúa trên một diện tích không cao, do vậy việc tăng cường đào tạo nghề, phấn đấu nâng cao thu nhập cho nông dân các vùng nông thôn vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế bền vững lâu dài.
Xuất phát từ thực tế đó, một đề án về đào tạo nghề cho nông thôn giai đoạn 2009-2015 và phương hướng đến năm 2020 đã được chính phủ thông qua và đang được các bộ, ngành triển khai. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết: “Hiện nay số lao động ở nông thôn là khoảng 22 triệu người, do vậy mục tiêu của VN đến năm 2020 phải trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá, theo lộ trình phải đào tạo bài bản cho khoảng 11 triệu lao động nông thôn và như vậy mỗi năm phải đào tạo khoảng 300 nghìn lao động cho nông nghiệp ”
Trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, tiến tới nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì vấn đề đào tạo nghề có chất lượng cho nông thôn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên bên cạnh đề án tăng cường đào tạo nghề cho nông dân cũng cần phải có những chính sách đồng bộ hỗ trợ nhằm tạo ra sự đột phá, giúp nông dân tiếp cận với nền sản xuất lớn.
Giáo sư tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng, một chuyên gia tâm huyết với nền nông nghiệp Việt Nam cho rằng: hơn 70 triệu thửa ruộng nhỏ, manh mún hiện là rào cản lớn nhất của đề án đào tạo nghề cho nông thôn, do vậy việc khuyến khích các hộ nông dân cùng nhau bàn bạc thực hiện dồn điền đổi thửa cho nhau để tạo ra những thửa ruộng, trang trại lớn là hướng đi tích cực, giúp cho các hộ nông dân có điệu kiện chuyển đổi sang nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn hơn, có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và có như vậy các sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nêu ý kiến:“ Đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại hoá, do vậy cách làm nông nghiệp cũng phải khác đi, cần phải có những trang trại lớn, do vậy theo tôi chúng ta cần phải bỏ hạn điền để nông dân có điều kiện mở rộng tích tụ ruộng đất, vì với diện tích mỗi hộ chỉ từ 4-6 ha như hiện nay thì làm sao có thể mở rộng sản xuất được. Trong đào tạo cho nông dân, cũng cần căn cứ vào đặc điểm tình hình từng địa phương mà có định hướng giúp nông dân sản xuất cái gì, làm sản phẩm gì để đạt giá trị hiệu quả cao..”
Một cơ sở đào tạo nghề ở huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) - Ảnh: Báo Yên Bái
Sau hơn hai năm triển khai đề án đào tạo nghề cho nông thôn, cả nước đã có gần 800.000 lao động nông thôn (trong đó 46% làm các nghề nông nghiệp và 54% làm các nghề phi nông nghiệp) đã được học nghề. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề ở 54 tỉnh/TP đạt trên 70%, nhiều lao động nông thôn sau học nghề đã áp dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Các khoá đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu hiểu biết của nông dân, mà thực sự là phương thức giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Anh nông dân Nguyễn Trọng Thành tại xã Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những ví dụ như vậy. Sau khi áp dụng những kiến thức cho nông dân tại trường cao đẳng kỹ thuật nông nghiệp Vĩnh Phúc, giờ đây đàn bò sữa của gia đình anh cho chất lượng sữa cao nhất xã. Anh Nguyễn Trọng Thành, cho biết: “Nuôi bò sữa là lao động kỹ thuật, nó đòi hỏi phải có kiến thức. Nuôi bò sữa không đơn giản như nuôi bò bình thường, mà còn phải quan tâm tới các sản phẩm cung ứng cho xã hội, nên bắt buộc tôi phải đi học và tôi đã tham gia lớp chăn nuôi thú y”
Những kết quả bước đầu của đề án đã góp phần tạo ra sự chuyển biến bộ mặt nông thôn. Tại nhiều địa phương đã hình thành những mẫu ruộng, mô hình trang trại lớn sản xuất hàng hoá có tính chuyên môn, đem lại hiệu quả cũng như giá trị sản xuất cao, hình thành các vùng nuôi cá ba sa, tôm hay xuất hiện các trang trại nuôi hươu, đà điểu, bò sữa, ếch, baba..Đề án đào tạo nghề đã giúp người lao động ở nông thôn tự trả lời câu hỏi: làm cái gì, nuôi con gì, bán ở đâu..Mục tiêu của đề án đào tạo nghề cho 11 triệu nông dân vào năm 2020 nếu đạt kết quả sẽ tạo tiền đề, bước ngoặt cho việc giảm khoảng cách giàu nghèo cũng như làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam./.
Tô Tuấn (Theo VOV5)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã