Cải thiện đời sống người dân
Về vùng nông thôn TP.Cần Thơ ngày nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy sự thay da đổi thịt. Đường nông thôn ấp liền ấp, xã liền xã, thông thoáng, rộng lớn, thuận tiện cho việc giao thương mua bán cũng như đi lại cho người dân.
Điện, nước sạch đã về đến từng con ấp, đời sống người dân được nâng lên từng bước. Trường học mới khang trang, cơ sở y tế cũng được nâng cấp, phục vụ tốt sức khỏe người dân… Tất cả là nhờ vào kết quả của việc xây dựng NTM.
Nước sạch về vùng sâu huyện Vĩnh Thạnh, đời sống người dân cải thiện rõ nét. Ảnh: HỒNG CẨM
Năm 2018, TP.Cần Thơ đề ra mục tiêu có thêm 6 xã NTM và 1 huyện NTM Vĩnh Thạnh. Với nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương, thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2018: có 33/36 xã NTM và 2/4 huyện NTM. |
Ông Lê Văn Tính- Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM TP.Cần Thơ cho biết: “Trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM, nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội đóng vai trò chủ chốt, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn rõ nét. Bộ tiêu chí đó gồm: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư. Sau gần 8 năm triển khai xây dựng NTM trên địa bàn 36 xã ở TP.Cần Thơ, dễ thấy nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm đã từng bước được hoàn thiện”.
Ông Nguyễn Văn Phương- Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh thông tin thêm: “Nhận thức được tầm quan trọng của nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện ưu tiên đầu tư hoàn thiện các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như: Hệ thống thủy lợi, đê bao, cầu, đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa. Hiện, các xã đạt chuẩn NTM được đầu tư nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%, xe ôtô có thể đến được trung tâm xã; đường trục ấp cứng hóa và đường bê tông liên ấp đều đạt trên 75%.
Hệ thống thủy lợi thường xuyên được nạo vét, đê bao khép kín đảm bảo 100% cho các vùng sản xuất, phục vụ tốt việc tưới tiêu cho sản xuất lúa (3 vụ/năm) và vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa đường thủy…”.
Vận dụng linh hoạt các giải pháp
Trong bối cảnh khó khăn chung, ngoài nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các huyện xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đã chủ động lên kế hoạch, vận dụng linh hoạt các giải pháp để từng bước hoàn thiện nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội.
Theo ông Nguyễn Thanh Danh - Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, năm 2018, vốn xây dựng cơ bản thành phố bố trí cho huyện là 108 tỷ đồng. Trong khi đó, để hoàn thành xây dựng NTM tại 1 xã, cần khoảng 100 tỷ đồng. Do đó, đầu tư cho NTM phải tính toán rất kỹ và phân kỳ hợp lý, nếu không sẽ rơi vào tình trạng nợ tiêu chí hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng, đối với công cuộc xây dựng NTM hiện nay, phát huy nội lực vẫn là giải pháp hàng đầu. Các xã cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn trong dân, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia thực hiện trên địa bàn nhằm đa dạng hóa nguồn lực xây dựng NTM...
“Nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội cần có vốn đầu tư lớn. Một số tiêu chí như trường học, y tế, xóa nhà tạm phải thực hiện từng bước và lâu dài. Vì vậy, mỗi xã cần cân nhắc trong việc chọn công trình nào thực sự cần thiết ưu tiên đầu tư trước gắn với việc thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền xây dựng NTM phải được đặt lên hàng đầu, bám sát phương châm “dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp” – ông Dũng khẳng định.
Tác giả bài viết: Theo Hồng Cẩm (Báo Dân Việt)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã