Năm 2017, sau hơn 2 năm thực hiện các chương trình của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, toàn huyện đã giảm được 281 hộ nghèo (đạt 216,15% chỉ tiêu), thu nhập bình quân đạt 41,2 triệu đồng/người/năm.
Sau thành công của năm 2017 với 100% số xã đạt chuẩn NTM, Gia Lâm tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng huyện NTM trong năm 2018. Đến tháng 3/2018, theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, huyện Gia Lâm đã có 8/9 tiêu chí đạt gồm: quy hoạch, thủy lợi, giao thông, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, an ninh - trật tự xã hội, sản xuất, chỉ đạo xây dựng NTM.
Phát triển kinh tế HTX là nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu hoàn thành huyện NTM của huyện Gia Lâm |
Để “cán đích” huyện NTM, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đóng vai trò quan trọng. Trong đó, tiêu chí số 13 – HTX hoạt động hiệu quả, được UBND huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm.
Đến nay, 100% HTX (55/55 HTX) trên địa bàn huyện Gia Lâm đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Các HTX đều đang hoạt động tương đối hiệu quả và có đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đơn cử, HTX nông nghiệp Văn Đức với 108 thành viên, canh tác trên diện tích hơn 250ha, cung cấp ra thị trường gần 100 tấn rau/ngày. Trong bối cảnh nhiều nông sản trong nước còn nhiều bấp bênh, sản phẩm rau VietGAP của HTX Văn Đức vẫn đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mang về doanh thu hơn 400 triệu đồng/ha/năm cho thành viên HTX.
Trong Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh giai đoạn 2016-2020, UBND huyện Gia Lâm nhấn mạnh việc xây dựng và phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là yếu tố đặc biệt quan trọng cần thực hiện.
Văn Nguyễn
thoibaokinhdoanh.vn