Học tập đạo đức HCM

Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Thứ ba - 11/08/2015 07:44
Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) đã triển khai được 4 năm, nhưng theo đánh giá của nhiều địa phương, việc dạy nghề mới chạy theo số lượng, chưa đạt về chất lượng và chưa đáp ứng được mục tiêu chuyển dịch nghề cho lao động.


Khó ứng dụng kiến thức học

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhất (58 tuổi) là một trong số những hộ có đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ cho xây dựng Nhà máy nhiệt điện Hải Dương từ năm 2009. Bà Nhất đã từng được hỗ trợ tham gia học lớp thủ công mỹ nghệ. Bà nhớ lại: “Năm 2012, khi Hội phụ nữ xã thông báo có một lớp dạy nghề đan lát, tôi đăng ký học ngay. Tham gia lớp học tôi được hỗ trợ toàn bộ học phí và mỗi ngày còn được thêm 15.000 đồng. Cùng học với tôi có khoảng trên 30 người”. Lớp học diễn ra tại hội trường UBND xã Phúc Thành trong 2 tháng, học viên vừa học vừa làm. 

Việc đào tạo nghề nông thôn vẫn chưa sát với thực tiễn doanh nghiệp.
Ảnh: CTV


Nguyên liệu được cung cấp và sau khi làm xong, sản phẩm có người mua với giá hỗ trợ, nên có tác dụng khuyến khích người học. “Mặc dù lợi nhuận không đáng là bao, nhưng với những người nông dân có đất ruộng bị thu hồi thì có việc làm tại chỗ là tốt rồi”, bà Nhất nói. Tuy nhiên, việc bao tiêu sản phẩm chỉ kéo dài vài tháng sau khi học nghề. Do không còn người thu mua sản phẩm nữa nên bà Nhất đã bỏ nghề vừa học.

Tha thiết có việc làm, mang lại thu nhập, dù ít nhưng đều đặn và thường xuyên là mong mỏi của người nông dân, nhất là những người đã bị thu hồi ruộng để phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, vì học xong không có nơi sử dụng, không phát huy được những kiến thức đã học nên người nông dân lại chán nản. Nhiều người đã bỏ sang làm phụ hồ, thợ xây, đi cắt hành thuê (Kinh Môn là vùng trồng hành lớn nhất ở Hải Dương), làm công nhân lò gạch…

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1956, trong 4 năm (2010-2013), ngân sách Trung ương đã bố trí cho công tác dạy nghề lao động nông thôn trên 4.873 tỷ đồng, bên cạnh đó, có 12 địa phương tự cân đối được ngân sách, nhiều địa phương bố trí thêm, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án cho hoạt động này. Kết quả, đã có 1,615 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề, gần 1,2 triệu người có việc làm mới. Ban chỉ đạo Đề án 1956 đánh giá hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt mục tiêu của đề án, số lao động được hỗ trợ dạy nghề còn thấp, việc làm cho lao động nông thôn chưa thật sự bền vững.

Anh Nguyễn Chung (quê Thanh Ba, Phú Thọ) từng theo học một lớp cơ khí dạy sửa xe máy cho 30 người, nhưng lớp học chỉ giới thiệu lý thuyết chung chung và thực hành một vài kỹ năng cơ bản như vá xe, rửa chế hòa khí… “Do vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa đi làm, thấy giới thiệu học nghề không mất tiền, lại được tiền hỗ trợ nên tôi đi học. Nhưng học xong không ứng dụng được vì ít thực hành. Sau này, tôi phải xuống Hà Nội học thêm tại trung tâm nghề Thanh Xuân gần 3 tháng, rồi phụ làm ở cửa hàng người quen, đến giờ mới gọi là sửa được những lỗi cơ bản của xe máy. Cả lớp học nghề cho lao động nông thôn năm đó hiện có mình tôi theo nghề sửa xe làm tại Hà Nội”, anh Chung chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thắm (Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: “Theo chương trình của Hội phụ nữ, tôi có tham gia 2 lớp đào tạo nghề nông thôn gồm trồng cây ăn quả và lớp nấu ăn. Tuy nhiên học xong cả hai lớp này thấy khó ứng dụng. Lớp trồng cây ăn theo mô hình vườn ao chuồng không triển khai được do không có vốn để cải tạo theo mô hình đã học, còn lớp học nấu ăn chỉ học thiên về lý thuyết và học vài món ăn đơn giản”. 

Học nghề xong phải có việc làm

Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn mở ra tại xã Phúc Thành (huyện Kinh Môn, Hải Dương) từ những năm 2012. Nông dân được lựa chọn học các nghề: may, đan lát, nghề chăn nuôi và trồng trọt. Sau một thời gian triển khai, đề án dạy nghề cho lao động nông thôn chưa có tác động đáng kể đến đời sống địa phương. Những lao động nữ học nghề may mặc thì đến nay có khoảng 20 người đang có việc làm tại các công ty may trong vùng, còn khoảng 2/3 số lao động học nghề này không tìm được việc làm phù hợp. 

Với những lao động học nghề đan lát, thời gian đầu có đơn vị chuyển nguyên liệu và thu mua thành phẩm, nên người dân rất hào hứng học nghề. Tuy nhiên, việc này chỉ kéo dài được trong khoảng nửa năm, sau đó vì không bảo đảm được đầu ra sản phẩm, nên những người học nghề đã bỏ sang làm việc khác. Còn với những nghề trồng trọt và chăn nuôi, cũng không phát huy được các kiến thức được học, nhất là phần ứng dụng kỹ thuật để cơ giới hóa sản xuất, vì một trong những lý do là đồng ruộng của Phúc Thành vẫn còn tình trạng mỗi hộ có 4 mảnh ruộng tại 4 nơi khác nhau, việc dồn điền đổi thửa chưa được triển khai.

Theo ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành: Chủ trương đào tạo nghề nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn là chủ trương có ý nghĩa lớn, đặc biệt là với những nơi đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều như ở Phúc Thành. Tuy nhiên thực tế sau một thời gian việc này được triển khai ở địa phương, có nhiều vấn đề đặt ra. Đối tượng người học phần lớn là 40 - 50 tuổi, ngại đi học, chỉ muốn làm những việc công nhật và có tiền ngay. Xuất phát từ việc sau khóa học, khó tìm việc làm (với những người học may, muốn vào công ty may nhưng bị quá tuổi tuyển dụng) hoặc không có đầu ra cho sản phẩm, người dân địa phương không mặn mà với các lớp học như thế. “Sau khi mở xong nhiều lớp học như vậy, xã tiến hành phát phiếu khảo sát nhu cầu thì không có ai đăng ký học nữa”, ông Huân cho biết.

Theo ông Huân, để việc đào tạo nghề phát huy hiệu quả, cần gắn chặt với việc giải quyết việc làm. “Nên xem xét hình thức mở lớp cho học viên của nhiều xã học thay vì chỉ manh mún từng xã như hiện nay, nhằm đảm bảo số lượng học viên của lớp, phòng trường hợp với nghề nào đó nếu 1 xã chỉ có rất ít học viên vẫn có thể tổ chức lớp cho người lao động”, ông Huân đề xuất.

Cùng quan điểm này, lãnh đạo Sở LĐTBXH Phú Thọ chia sẻ: Do chạy theo số lượng, nên một số nơi học viên đi học cho có hình thức để nhận hỗ trợ, chứ chưa thật sự chú tâm vào nghề. Thời gian đào tạo nghề quá ngắn, nên tay nghề của người lao động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khiến người học phải tự tìm kiếm việc làm sau khi được đào tạo. “Lao động nông thôn học nghề xong phải có việc làm chứ học để có nghề là chưa đi đến đích của đề án”, đại diện này cho biết.

Còn lãnh đạo huyện Trạm Tấu (Yên Bái) chia sẻ: Có thực tế, tại một số vùng đồng bào dân tộc, sau khi học nghề rất ít trường hợp có việc làm, nhất là nghề phi nông nghiệp vì không quen đi xa nhà để làm việc. Với nghề phi nông nghiệp, cần có sự tham gia của doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp tuyển dụng lao động địa phương gắn với đào tạo nghề. Còn với những lớp học nông nghiệp, khi học xong cần nguồn vốn để xây dựng mô hình sản xuất tại gia, tự giải quyết việc làm, nhưng hiện nay mức cho vay quá ít, không xây dựng được mô hình.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội:

Qua giám sát, chúng tôi thấy đào tạo nghề chưa đáp ứng thực tiễn. Lao động nông nghiệp ở một huyện miền núi mà mở lớp đào tạo sửa xe máy, thì lấy đâu xe máy mà sửa. Đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu của xã hội, của người lao động, doanh nghiệp. Theo phản ánh của doanh nghiệp, hầu hết khi nhận lao động đều đào tạo lại, điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động mà còn lãng phí. Theo tôi việc đào tạo nghề nông thôn chưa trúng và dàn trải. Tôi đi giám sát tại các tỉnh thấy các lớp dạy nghề tổ chức buổi tối, chủ yếu là phụ nữ đến lớp hướng dẫn trong 3 - 4 ngày, hướng dẫn không thực tế, không sát với lao động nông thôn họ cần. Tác dụng và hiệu quả dạy nghề và đào tạo nghề khu vực nông thôn là chưa đạt yêu cầu mong muốn. 

Bà Nguyễn Thị Khá, đại biểu Quốc hội đoàn Trà Vinh: 

Việc đào tạo nghề chưa được đánh giá một cách tổng thể. Chúng ta có rất nhiều cơ quan đào tạo nghề, nhưng đơn vị nào đánh giá hiệu quả thì chưa rõ, trong đó phải đánh giá cụ thể chất lượng đào tạo và bao nhiêu người có thể sử dụng nghề đã học. Chúng ta phải đánh giá cho được đầu ra, chứ không nên đánh giá số lượng đầu vào. Bao nhiêu người học ra, làm được và làm đúng ngành nghề. Thời gian qua, tôi có đi giám sát khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên cho thấy cách đào tạo như hiện nay chỉ tiến hành đơn lẻ trong địa phương và không làm trong đô thị. Đào tạo một lớp 30 người chỉ khoảng 2 người làm đúng nghề đã học và phải học thêm nhiều kỹ năng khác. Đào tạo nghề nông thôn theo tôi chất lượng chưa đạt yêu cầu và đào tạo để tính số lượng chứ không tính đến hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp phản ánh, họ đều đào tạo lại lao động. Trong khi người học phản ánh thiết bị thực hành lạc hậu, không phù hợp. Do đó, đề án này cần đánh giá lại hiệu quả chương trình rồi mới triển khai tiếp. 

Bà Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Quốc hội đoàn Hòa Bình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: 

Chủ trương dạy nghề cho lao động nông thôn là đúng đắn, nhất là việc chuyển đổi kinh tế nông thôn, thu hồi đất nông nghiệp nên tổ chức dạy nghề và hướng dẫn nghề cho người dân. Qua giám sát về đào tạo nghề nông thôn cho thấy phần lớn là dàn trải, nhiều người ghi danh để tham gia học nhưng việc sử dụng kiến thức học và học nghề để có thu nhập chưa được quan tâm nhiều. Do đó việc dạy nghề cần gắn với quy hoạch vùng, thị trường và chọn lọc đối tượng; cần gắn với doanh nghiệp bởi họ sẽ là đơn vị tạo việc làm, gắn với đầu ra của sản phẩm.

 
Xuân Minh - Đức Mạnh 
Theo baotintuc.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập544
  • Hôm nay84,355
  • Tháng hiện tại789,468
  • Tổng lượt truy cập90,852,861
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây