Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong 4 năm đầu thực hiện đề án, các Bộ, ngành địa phương đã tích cực, chủ động triển khai tổ chức hỗ trợ dạy nghề đối với lao động nông thôn.
Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kiến nghị: “Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần phải tham gia vào sâu hơn nữa vào các chương trình này. Đặc biệt, không chỉ đào tạo nghề mà phải gắn với việc tạo công ăn, việc làm và tiếp nhận lao động sau đào tạo nghề. Cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể hơn để hướng các doanh nghiệp tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn”.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, trong thời gian tới, các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị 19 ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên, các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp về thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng và phát triển nguồn nhân lực nói chung.
Phó Thủ tướng đề nghị, phải xem việc thực hiện Quyết định 1956 là một nội dung quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách dạy nghề đối với người lao động.
Bộ LĐ-TB&XH cần chú trọng ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghệp, ngư dân.
Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại cho các đối tượng ưu tiên cho phù hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định vào đầu quý I/2015.
Trong 4 năm (2010-2013), cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho trên 1,6 triệu lao động nông thôn, đạt 85% kế hoạch và bằng 22,9% tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956 trong 11 năm (2010-2020).
Riêng năm 2013, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho trên 530.000 lao động nông thôn, chiếm 106% kế hoạch hỗ trợ dạy nghề năm 2013; số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn đạt 80,32%./.