Lập lờ thu nhập nông dân
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng cái cần phải thay đổi nhất hiện nay là làm sao để nông dân có thu nhập cao, nhưng trong đề án lại không rõ lắm. Hiện nay thu nhập bình quân của VN đã trên 1.000 USD/người/năm mà người nông dân mới chỉ trên 480 USD/người/năm. Thực tế, mức thu nhập bình quân tại vùng ĐBSCL chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng, tính ra một ngày chỉ có 17.800 đồng (tương đương 0,81 USD) hay chỉ bằng giá nửa tô phở hiện thời. "Vậy thì khó giữ nông dân với đồng ruộng lắm”, GS Bửu nói.
Đồng tình với GS Bửu, một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) nói trong toàn bộ đề án được duyệt dài 16 trang, thu nhập của người nông dân chỉ được đề cập đến một lần là “đến năm 2020, thu nhập của hộ gia đình nông thôn tăng 2,5 lần so với năm 2008”. Vị này bức xúc đặt vấn đề: “Tại sao lại là so với năm 2008 mà không phải 2012 hay 2013? Tại sao không phải là thu hẹp khoảng cách với mức bình quân chung của cả nước? Nếu như đề án thì đến năm 2020 thu nhập của người dân nông thôn vẫn nghèo như hiện nay”.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách - Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), thì dẫn chứng: “Ngân hàng Thế giới ước tính 30% nông dân VN “vắt mũi chưa đủ nuôi miệng”, tôi nghĩ tỷ lệ này cao hơn. Khu vực nông thôn có mức sống chỉ bằng một nửa đô thị và khoảng cách tuyệt đối ngày càng rộng”.
Một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp phân tích, đề án có phần lập lờ trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tại sao lại là thu nhập của nông hộ mà không phải là của người nông dân? Bởi nông hộ thì ít biến đổi nhưng số người trong nông hộ thường có xu hướng tăng cùng với dân số. Nếu sử dụng "nông hộ", không thể đánh giá đúng thu nhập của nông dân. Bên cạnh đó, đề án được ký duyệt vào năm 2013 nhưng lại lấy mốc để tính mức tăng thu nhập là năm 2008, “lỗi thời” thu nhập đến 5 năm. “Tôi nghĩ đề án cần đặt mục tiêu nâng cao thu nhập của nông dân theo hướng kéo giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị hoặc ít nhất là rút ngắn khoảng cách giữa khu vực nông thôn với mặt bằng chung của xã hội”, chuyên gia này nói.
Vẫn chạy theo số lượng
Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt sẽ duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, sản lượng lúa năm 2020 đạt 45 triệu tấn. Tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, mở rộng diện tích trồng bắp để đạt sản lượng 8,5 triệu tấn nhằm cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi... GS Bửu nhận xét: “Chúng ta vẫn suy nghĩ phải trồng lúa, diện tích 3,8 triệu ha, làm 3 vụ liên tục, vẫn muốn tăng năng suất song song với tăng chất lượng… Tái cơ cấu như vậy thì quả thật quá khó thành công".
Trên thực tế, năm 2012, tổng sản lượng lúa của cả nước đạt 43,7 triệu tấn, xuất khẩu 7 triệu tấn gạo tương đương 14 triệu tấn lúa - dư thừa so với tiêu dùng trong nước. Nhưng đề án vẫn mong muốn tiếp tục tăng sản lượng lúa lên 45 triệu tấn vào năm 2020, song song với việc mở rộng diện tích trồng bắp để giải quyết vấn đề nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Nhiều chuyên gia có chung nhận định, diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng lúa của VN mấy năm gần đây đã kịch trần thì việc vừa muốn tăng sản lượng và chất lượng là điều rất khó hiểu.
Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ), nói: “Chúng ta chạy theo sản lượng nên đẩy mạnh sản xuất lúa 3 vụ mà lại còn là 3 vụ ăn chắc nữa, rồi còn đòi năng suất, chất lượng phải cao thì hoàn toàn không thể, vượt quá thực tế. Bởi làm lúa 3 vụ thì phải sử dụng giống ngắn ngày, mà giống ngắn ngày thì chất lượng lúa không thể cao được".
Tham gia vào Ban Cố vấn đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp không thể mang cái tư duy đơn giản là trồng cây này không hiệu quả thì bỏ chuyển qua trồng cây khác, nuôi con này không được thì đổi bằng con kia. “Cái tư duy đó đã cũ lắm, lạc hậu rồi. Tái cơ cấu nông nghiệp không thể gói gọn trong ngành nông nghiệp mà phải gắn với công nghiệp chế biến, thị trường để tạo ra giá trị gia tăng cao”, ông Dưỡng nói.
"Tái cơ cấu nông nghiệp không thể gói gọn trong ngành nông nghiệp mà phải gắn với công nghiệp chế biến, thị trường để tạo ra giá trị gia tăng cao". Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng
Xuất khẩu gạo khó khăn
Tính đến cuối tháng 8.2013, VN đã xuất khẩu (XK) được 4,58 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo XK giảm trên 500.000 tấn và giảm khoảng 298 triệu USD về giá trị. Tình hình XK gạo năm nay gặp nhiều khó khăn. Trong 7 tháng đầu năm nay nhiều hợp đồng XK gạo bị hủy với số lượng khoảng 1 triệu tấn. Việc hủy hợp đồng xảy ra từ cả bên mua lẫn bán nhưng các nhà nhập khẩu hủy hợp đồng với số lượng nhiều hơn, nhất là khách hàng Trung Quốc. Nguyên nhân là các nhà nhập khẩu muốn ép giá gạo VN. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi Thái Lan liên tục giảm giá gạo XK. Đến cuối tháng 8, Thái Lan đã giảm giá gạo 100% B xuống còn 380 - 390 USD/tấn, tương đương giá gạo 5% tấm của VN. Điều này đã tạo thêm sức ép với gạo VN trên thị trường. Trong khi đó cho đến nay VN vẫn chưa ký được hợp đồng cấp chính phủ đối với Indonesia và Philippines.
Mới đây VFA đã kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo (tương đương 600.000 tấn lúa) vụ hè thu và vụ thu đông sắp tới để giữ giá gạo tại thị trường nội địa.
Theo thanhnien.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã