Giá trị sản xuất không ngừng được nâng cao
Nhìn chung, những năm gần đây sản xuất nông nghiệp tiếp tục thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm tương đối cao, bình quân toàn ngành là 5,4% về giá trị sản xuất và 3,7% về giá trị gia tăng (GDP). Sản lượng lúa tăng từ 39,0 triệu tấn năm 2006 lên 43,7 triệu tấn năm 2012; và theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng lúa cả năm 2013 ước đạt 44,1 triệu tấn, diện tích gieo trồng ước đạt 7,9 triệu ha, tăng 138,7 nghìn ha, đạt năng suất bình quân 55,8 tạ/ha. Việt Nam duy trì vị trí là cường quốc về xuất khẩu nông sản, như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều và thuỷ sản. Năm 2013, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản đạt 16,5 tỷ USD; nhóm hàng thuỷ sản đạt 6,7 tỷ USD.
Một mô hình sử dụng phân sinh học Bồ Đề 688 có thể giúp cây trồng chịu được sâu bệnh và năng suất tăng khoảng từ 20-25% (Ảnh: Đ.H) |
Sản xuất ngày càng đa dạng cả về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Tuy sản xuất nông hộ nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hệ thống sản xuất quy mô vừa và lớn đang hình thành, đặc biệt trong chăn nuôi, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm. Xu thế đa dạng hóa tổ chức sản xuất cũng phát triển, song song với hình thức truyền thống như hợp tác xã, tổ hợp tác, các nhóm kinh tế phi chính thức, dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ đã trở nên phổ biến hơn. Những năm gần đây hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản đang phát triển, gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến và thương mại.
Tuy vậy, những đánh giá mới nhất gần đây cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Chất lượng nông sản thấp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường quốc tế. Sản xuất manh mún, năng suất thấp, công nghiệp chế biến chậm phát triển nên tình trạng xuất khẩu nông sản thô, giá trị gia tăng thấp vẫn là chủ yếu. Có một nghịch lí là trong lúc ngành nông nghiệp rất cần vốn để đầu tư cho sản xuất thì tình hình đầu tư vào nông nghiệp lại rất hạn chế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, vốn đầu tư FDI vào khu vực này hiện chỉ chiếm 1% đến 2% so với con số 7% đến 10% cách đây mười năm. Nguyên nhân khiến việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn là do sản xuất nông nghiệp rủi ro cao (bao gồm rủi ro về thiên tai, rủi ro về thị trường và cả những rủi ro về chính sách), hạ tầng cơ sở sản xuất yếu kém, xuống cấp, giá lao động tăng cao, chất lượng lao động trong khu vực nông nghiệp thấp và đặc biệt, chi phí giao dịch lớn do thiếu các thể chế, tổ chức đại diện cho người nông dân.
Sau những thành công nhờ đổi mới thể chế kinh tế và cơ chế quản lí trong nông nghiệp, giờ đây ngành nông nghiệp đang gặp phải những thách thức lớn. Trong khi lực lượng sản xuất (số lượng các trạng trại, doanh nghiệp nông nghiệp, khoa học công nghệ…) liên tục phát triển thì các quan hệ sản xuất trong nông nghiệp lại chưa có sự đổi mới tương thích. Tình trạng manh mún đất đai vẫn chưa được khắc phục, vai trò của quy hoạch và chiến lược phát triển vùng không rõ ràng. Các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Những mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá lớn hay liên kết giữa nông dân và nông dân trong các tổ chức của họ như các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.
Nhiều mô hình sản xuất mới
Thực tiễn, thời gian gần đây đã xuất hiện một số mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp. Nhiều mô hình được xem là xu thế tất yếu và là tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam, đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng, khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp. Với thực tế sản xuất nông nghiệp lâu nay còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là một trong những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhìn chung, mỗi hecta lúa tham gia trong CĐML, người sản xuất có thể thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng. Chi phí sản xuất giảm được từ 10% đến 15%, trong khi giá trị sản lượng tăng 20%-25%. Có thể nói, CĐML là một trong những lời giải cho câu hỏi làm thế nào để giúp nông dân có thể tiếp cận các loại phân bón, vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất với giá cả ổn định và chất lượng đảm bảo, đồng thời tăng giá bán nông sản ở đầu ra, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là hướng đi tất yếu, cũng là giải pháp thiết thực nhất để tiến tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn hiện nay và trong tương lai.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nếu diện tích lúa đăng ký sản xuất theo mô hình CĐML năm 2011 chỉ có khoảng 7.200 ha, thì đến vụ đông xuân năm 2012 diện tích này nâng lên 20.000 ha và đến năm 2013 đạt khoảng 100.000 - 200.000 ha. Nhiều doanh nghiệp hiện đang đi đầu trong liên kết, xây dựng CĐML, như Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Võ Thị Thu Hà… Hiện nay mô hình CĐML không chỉ giới hạn ở các tỉnh Nam bộ mà đã lan ra nhiều vùng, miền trong cả nước. Mô hình CĐML cũng không chỉ giới hạn ở sản xuất lúa mà đang được áp dụng sáng tạo sang các lĩnh vực sản xuất khác như mía đường, cà phê, điều, chè, chăn nuôi thuỷ sản và rau quả an toàn… Xu hướng sắp tới, từ CĐML, các địa phương sẽ xây dựng các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hoá và xây dựng thương hiệu lúa gạo từ các vùng nguyên liệu sản xuất theo VietGAP.
Hoặc như mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín. Điển hình như các mô hình tổ chức chăn nuôi lợn và gia cầm ở Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; mô hình tổ chức vùng nguyên liệu sản xuất chế biến cá tra thuộc Công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang... Trong mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cả vai trò đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nông dân nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ. Mô hình sẽ thành công hơn khi doanh nghiệp có vốn lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Với mô hình nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất, doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư giống, vốn, khoa học kỹ thuật và tổ chức quản lý dự án. Người nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp và trở thành những cổ đông, được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động làm công ăn lương, nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương khi lao động. Hình thức này xuất hiện nhiều trong ngành sản xuất cao su ở Sơn La, Lai Châu, Bà Rịa – Vũng Tàu và ngành mía đường ở Thanh Hoá. Tính đến năm 2012, diện tích đất góp tại các tỉnh trồng cao su ở Tây Bắc đã đạt xấp xỉ 20.000 ha. Dự kiến đến năm 2020 là khoảng 50.000 ha. Điểm mạnh của hình thức liên kết này là có tính hợp tác và chia sẻ rủi ro cao giữa nông dân và doanh nghiệp. Góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất nhưng về mặt pháp lý, nông dân vẫn là chủ sở hữu tư liệu sản xuất. Đất đai của họ không bị thu hồi hay bị buộc phải bán đất cho doanh nghiệp như các dự án khác.
Mô hình nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất ở Công ty cổ phần Cao Su Sơn La (Ảnh: Đ.H) |
Trên đây chỉ là ba trong số nhiều phương thức hợp tác, liên kết theo chiều dọc mới xuất hiện trong những năm gần đây trong các ngành hàng, chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó thực tiễn còn xuất hiện các mô hình liên kết mới theo chiều ngang, liên kết giữa những người sản xuất, các đơn vị kinh doanh với nhau.
Có thể nêu một vài ví dụ khái quát về loại hình liên kết sản xuất theo chiều ngang. Về mô hình các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, ở loại hình tổ chức mới này có hàng trăm hợp tác xã kiểu mới được hình thành và phát triển trong thời gian gần đây, đang sản xuất và kinh doanh khá hiệu quả, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình xã viên. Những hợp tác xã điển hình trong lĩnh vực này như Hợp tác xã thủy sản Thới An, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra ở Cần Thơ; Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng; Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Tân Cường của tỉnh Đồng Tháp;… Các hợp tác xã này đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất cả ở đầu vào và đầu ra cho hộ xã viên như cung cấp vật tư, phân bón, nguyên liệu thức ăn gia súc, bảo vệ thực vật và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Hợp tác xã cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông hộ, đại diện cho hộ ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản; bảo vệ quyền lợi cho xã viên. Nhiều hợp tác xã hiện nay doanh thu đạt đến chục tỷ đồng mỗi năm. Và nhờ có hợp tác xã mà kinh tế hộ xã viên không ngừng phát triển, đời sống của bà con nông dân ngày càng nâng cao. Ngoài ra, còn khoảng 100 nghìn tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp ra đời một cách hoàn toàn tự nguyện hoạt động. Đây là một con số ấn tượng đối với sự phát triển của kinh tế hợp tác trong nông nghiệp hiện nay.
Hoặc như các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng làng, xã dưới hình thức hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, công ty cổ phần. Loại hình hợp tác xã này phát triển mạnh ở các tỉnh phía Bắc, thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào đầu ra cho sản xuất như tưới tiêu, cung cấp giống, vật tư phân bón, tổ chức dịch vụ làm đất, thu hoạch và chuyển giao khoa học kỹ thuật, dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung và tiêu thụ nông sản cho xã viên. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hiện nay còn đảm nhận việc thu gom và xử lí rác thải, bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch ở nông thôn. Các dịch vụ của hợp tác xã không chỉ trong nội bộ các thành viên hợp tác xã mà còn phục vụ cả cộng đồng làng, xã.
Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới hiện nay, vai trò và sự đóng góp của các mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiểu này là hết sức có ý nghĩa. Những điển hình cho loại hình tổ chức sản xuất trên có thể kể đến Hợp tác xã Đại Phong của huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình; Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Lại huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ; Hợp tác xã Nông nghiệp Nghĩa Hồng huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định…
Để hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp. Đại diện cho hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh này có thể kể đến những mô hình như mô hình sản xuất và kinh doanh sữa của Công ty TH TrueMilk, Công ty TNHH MTV sữa Mộc Châu; Công ty cổ phần công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt… Đây là những doanh nghiệp đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Trong khi điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, các doanh nghiệp này đã đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD (chẳng hạn như tổng giá trị đầu tư của dự án mà TH TrueMilk dự kiến thực hiện là 1,2 tỷ USD, giai đoạn 1 có giá trị đầu tư là 350 triệu USD) sản xuất, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất nông nghiệp, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao và cho ra các sản phẩm nông sản chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Năm 2012, số lượng bò sữa của TH TrueMilk là 28.000 con, đến cuối năm 2013 đã tăng lên khoảng 45.000 con và dự kiến sẽ lên tới 137.000 con vào năm 2015, bằng 50% số lượng bò và 50% sản lượng sữa sạch của cả nước. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ở TH TrueMilk cho phép nâng giá trị sản lượng của 1 ha đất canh tác từ 70 triệu đồng/ha/năm trước đây lên 500 triệu – 1,5 tỷ đồng/ha/năm hiện nay. Còn ở Công ty cổ phần công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt, mỗi năm Công ty cung cấp ra thị trường 24 triệu cây giống mỗi năm được nhân theo công nghệ Invitro, sạch bệnh và chất lượng cao, không chỉ phục vụ ở thị trường trong nước, mà đang từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu sang các nước như Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Trung Quốc và Nhật Bản…
Những thách thức
Có thể đánh giá chung rằng, sự ra đời và phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp là rất phong phú, đa dạng, hợp với điều kiện cụ thể ở các vùng miền, điều kiện sản xuất đặc thù của mỗi loại sản phẩm. Sự phát triển của các mô hình cũng còn tuỳ thuộc vào nỗ lực và khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình, cá nhân. Sự thành công bước đầu của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp đang mở ra tương lai cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, sự phát triển và nhân rộng đối với các mô hình mới này vẫn còn có nhiều hạn chế.
Trước hết cần phải thấy rằng mặc dù các mô hình này bước đầu đã khẳng định được những ưu điểm nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp nói chung hiện nay nhưng ngay trong các mô hình mới này vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Những quan niệm về cánh đồng mẫu lớn chưa thống nhất giữa các địa phương và các bộ, ngành. Nhiều mô hình CĐML mới chủ yếu tập trung hỗ trợ được đầu vào mà chưa hỗ trợ, giải quyết được những khó khăn của đầu ra, thị trường nông sản hiện nay. Sự liên kết và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa hài hoà. Mức độ tiêu thụ nông sản hàng hoá cho người nông dân còn thấp, giá cả lên xuống bấp bênh, không ổn định. Hiện tượng được mùa mất giá vẫn tiếp tục xảy ra khiến người sản xuất lo lắng, không yên tâm đầu tư. Một số mô hình liên doanh, liên kết nhưng lợi ích của người nông dân tham gia còn thấp, thậm chí họ mới chỉ được hưởng giá trị ngày công lao động. Trong các chuỗi giá trị nông sản, việc đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn những bất cập, vì thế giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao.
Vấn đề thứ hai là sự phát triển và nhân rộng của các mô hình tổ chức sản xuất mới còn rất hạn chế. Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã khẳng định được chỗ đứng trong sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng diện tích áp dụng mô hình này vẫn chưa đến 10% tổng diện tích canh tác lúa trong vùng. Việc áp dụng mô hình CĐML sang các loại hình, khu vực sản xuất khác diễn ra khá chậm. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích áp dụng, đầu tư công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhưng số lượng các doanh nghiệp được chứng nhận là “Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao” hiện nay mới chỉ dừng lại ở còn số 5 doanh nghiệp trong cả nước.
Ngoài ra, ở một số mô hình liên kết, tuy doanh nghiệp đã hỗ trợ giống, vốn đầu vào, đã chia sẻ được rủi ro với nông dân nhưng số lượng hộ nông dân có đủ điều kiện để liên doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp còn ít. Không ít các mô hình đã và đang hoạt động với quy mô khá lớn nhưng những lo ngại về sự độc quyền của doanh nghiệp hay sự phân phối lợi ích chưa thật hài hoà, hợp lí giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, đe doạ sự phát triển bền vững của mối liên kết. Ở một số mô hình khi doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc tình trạng tài chính doanh nghiệp không minh bạch, nông dân dễ rơi vào tình trạng khó khăn.
Khu vực kinh tế hợp tác phát triển chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay có thể khẳng định rằng, trong các mô hình liên doanh, liên kết doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư và phát triển thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển chậm và yếu của khu vực kinh tế tập thể đang hạn chế khả năng đầu tư và liên kết của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Việc thiếu các tổ chức đại diện của nông dân làm cho chi phí giao dịch và chi phí triển khai thực hiện các hợp đồng nông sản của doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số vấn đề đặt ra
Mục tiêu trong tương lai là cần xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến những tăng trưởng về lượng. Do vậy, cần quan tâm và khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng những quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.
Để khuyến khích sự ra đời và phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần nhanh chóng triển khai có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về lâu dài, đây là tiền đề cho sự đổi mới các phương thức sản xuất, thúc đẩy sự ra đời của các mô hình sản xuất mới, hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp.
Các bộ, ngành có liên quan cần đẩy mạnh sự phối hợp để nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các chính sách phát triển bền vững các ngành hàng nông sản chiến lược như lúa gạo, chè, cà phê, cao su, thuỷ sản, chăn nuôi bò sữa, gia súc gia cầm… Sớm xây dựng và ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, tăng cường khuyến nông và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất.
Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục nhân rộng xây dựng cánh đồng mẫu lớn áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nghiệp. Cần có sự phân tầng chính sách, có chính sách riêng thúc đẩy hình thành, phát triển kinh tế nông trại, vùng sản xuất, chính sách ruộng đất, đào tạo nông dân quản trị nông trại, tín dụng, đầu tư, quản trị chất lượng sản phẩm, tài chính, bảo hiểm… tạo ra một nền kinh tế nông trại không chỉ lớn về qui mô mà còn về quản trị, làm cơ sở cho liên kết nông dân thành hợp tác xã, hiệp hội, nghiệp đoàn, liên kết nông dân và doanh nghiệp. Trong ba yếu tố đầu vào cơ bản của sản xuất nông nghiệp (ruộng đất, lao động, vốn) thì ruộng đất vẫn là yếu tố quyết định. Việc qui hoạch tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, qui mô sản xuất nông trại lớn, có chính sách tích tụ ruộng đất, hạ tầng, quản trị nông nghiệp… khác hẳn các vùng sản xuất nông hộ qui mô nhỏ. Có thể bắt đầu bằng các sản phẩm có chuỗi giá trị xuất khẩu mạnh như thủy sản, cà phê, cao su.
Cần nghiên cứu và có chính sách hình thành, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp chứ không chỉ là hợp tác xã dịch vụ, và cần tách riêng hai loại hình hợp tác xã này. Có chính sách đảm bảo hình thành các hiệp hội các chủ nông trại qui mô nhỏ, lớn, thậm chí một vùng, quốc gia, đảm bảo để hiệp hội các chủ nông trại tổ chức nông dân theo ngành nghề, bảo vệ sản xuất, đàm phán với doanh nghiệp, bảo vệ nông dân trong các vụ kiện quốc tế. Với các doanh nghiệp nông, lâm, ngư nghiệp, cần tránh việc lãnh đạo các công ty vừa quản lí cổ phần Nhà nước, vừa có cổ phần trong công ty tạo mâu thuẫn lợi ích, nghiên cứu để có chính sách tốt trong sử dụng đất các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay. Xây dựng chính sách đảm bảo sự an toàn trong đầu tư nông nghiệp, qui hoạch đất đai ổn định, thời gian giao đất dài, quản trị rủi ro qua bảo hiểm, chính sách dịch vụ công có mục tiêu như hỗ trợ hộ nghèo, có chính sách khuyến khích đối với các tổ chức sản xuất áp dụng khoa học công nghệ cao…
Đ.H
Nguồn: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã