Đi tìm nguyên nhân nông sản rớt giá
Theo các chuyên gia, sản xuất phá vỡ quy hoạch khiến cung vượt quá nhu cầu; thiếu một chuỗi sản xuất bền vững chính là nguyên nhân dẫn đến sự mất giá của nông sản trong suốt thời gian qua.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - thừa nhận, những năm qua, dù đã có quy hoạch cho từng ngành nhưng vẫn xảy ra tình trạng người nông dân sản xuất tự phát, không theo quy hoạch. Người nông dân vẫn chủ yếu nhìn nhau để sản xuất chứ không theo tín hiệu của thị trường và đôi khi phớt lờ khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Đơn cử, lật lại vấn đề quy hoạch ngành hồ tiêu trong bối cảnh giá hồ tiêu đang xuống thấp như hiện nay (chỉ còn hơn 80 nghìn đồng/kg, không bằng một nửa so với năm 2016), có thể thấy hệ lụy từ việc phá vỡ quy hoạch. Đơn cử, Gia Lai hiện có 15.500 ha hồ tiêu, riêng năm 2016 trồng mới hơn 1.200 ha. So với quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu đạt 6.000 ha, toàn tỉnh đã vượt hơn 10 nghìn ha.
Tình trạng sản xuất tự phát, không theo quy hoạch đã diễn ra trong nhiều năm nay là một trong những nguyên nhân khiến giá nông sản giảm sâu. Những vụ việc như bà con ồ ạt trồng tiêu, sắn… khi giá lên cao hoặc tự ý chặt bỏ cây trồng khi giá thấp, bỏ qua các khuyến cáo của các cơ quan chức năng là thực trạng đã diễn ra ở nhiều địa phương. Thực trạng này dễ gây nên những hệ lụy dư thừa nguồn cung khiến giá xuống thấp, gây thiệt hại cho bà con nông dân mà việc rớt giá của thịt lợn, chuối, tiêu… trong những tháng đầu năm là một minh chứng.
Cùng với việc phá vỡ quy hoạch, thiếu một chuỗi sản xuất bền vững cũng là nguyên nhân khiến nông sản rớt giá. Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ. Sản xuất thì theo mùa vụ mà tiêu dùng lại quanh năm nên vào những thời điểm chính vụ, cung tăng mà cầu không tăng, dẫn đến dư thừa. Để giải quyết được bài toán này phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực dự trữ và chế biến. Tuy vậy, trong 15 năm qua, mặc dù sản lượng của chúng ta ngày càng tăng, như thịt lợn tăng ba lần, sữa tăng 15 lần, các sản phẩm vật nuôi, cây trồng tăng ba, bốn lần nhưng năng lực chế biến dự trữ với rau chỉ khoảng 5%, thịt chỉ 1%... quá thấp so với sản lượng thực tế.
Muốn nâng cao năng lực dự trữ, chế biến, bắt buộc phải có bàn tay của DN để liên kết sản xuất, có được nguồn cung ổn định mới đầu tư công nghệ, sản xuất sản phẩm. Tuy vậy, hiện nay, mới chỉ có ít DN đầu tư vào nông nghiệp, chưa hình thành nên nhiều chuỗi khép kín nên năng lực này chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ông Nguyễn Hồng Sơn phân tích thêm, muốn không “vênh” giữa cung và cầu cần có những chuỗi liên kết và có được những hợp đồng tiêu thụ giữa DN và người nông dân. Nhưng hiện nay, số lượng hợp đồng liên kết của nước ta rất thấp do DN chưa dám đầu tư sâu, vẫn còn sự “bẻ kèo” giữa nông dân và DN, thiếu hành lang pháp lý đầy đủ trong liên kết. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân vẫn sản xuất theo kiểu tự phát chứ không phải sản xuất ra để có người đến ký bao tiêu với mình.
Bảo đảm nguồn cung ổn định, bền vững
Để chấm dứt điệp khúc “giải cứu” nông sản, quy hoạch là vấn đề đầu tiên cần phải tính đến. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, tới đây, từ quy hoạch tổng thể của Trung ương, các địa phương cũng cần có các quy hoạch chi tiết xuống cấp huyện, cấp xã và giao chỉ tiêu, định hướng cho lãnh đạo các cấp trực tiếp quản lý để có thể định hướng cho người dân không phá quy hoạch.
Bộ NN&PTNT cũng xác định xây dựng quy hoạch theo ba trục sản phẩm, gắn với tín hiệu thị trường để tạo đột phá. Cụ thể, nhóm thứ nhất là sản phẩm chủ lực quốc gia, gồm những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên. Ở nhóm sản phẩm này, Bộ sẽ phải rà soát lại từ việc quy hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách cho đến xác định những DN hạt nhân để từ đó xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.
Ở nhóm sản phẩm cấp tỉnh, Bộ sẽ cùng với các tỉnh phối hợp xây dựng những vùng nguyên liệu, xác định những đối tượng lợi thế của từng tỉnh, từ đó tập trung nhóm giải pháp tổng thể vào để đưa những mặt hàng này thành những mặt hàng chủ lực của địa phương. Cuối cùng, ở nhóm sản phẩm vùng/miền, gồm những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được quy hoạch gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “mỗi làng, xã một sản phẩm”.
Song song với việc quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín chính là giải pháp giúp nông sản tìm được đầu ra bền vững. Ông Võ Văn Quyền đánh giá, sản xuất theo chuỗi giúp cho các DN, các hiệp hội, người nông dân… cùng nhau chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi. Đồng thời giúp truy suất nguồn gốc, bảo đảm các sản phẩm đạt chất lượng, an toàn. Thông qua các chuỗi này, việc dự báo cung cầu cũng dễ dàng hơn, tránh tình trạng được mùa rớt giá.
Chia sẻ điểm mạnh của mô hình này, ông Vũ Tiến Nam - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Organic cho biết, hiện nay, công ty đã được Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I – Cục Bảo vệ thực vật cấp quản lý một mã vùng trồng nhãn tại xã Phương Chiểu, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Theo đó, thay vì chỉ đi thu mua, công ty đã ký hợp đồng sản xuất với các hộ gia đình tại xã Phương Chiểu theo hướng sẽ hướng dẫn nông dân trồng theo tiêu chuẩn, đồng thời thu mua ổn định giá cho bà con nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn. Nhờ đó, đến nay, không chỉ sản phẩm nhãn của bà con được tiêu thụ ổn định, lợi ích của công ty cũng tăng lên khi sản phẩm đã “trúng” nhiều hợp đồng xuất khẩu đi Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… và đang chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã